Bức tranh tươi sáng
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trong vào tăng trưởng GDP của cả nước. Cụ thể, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD; lâm sản chính 7,95 tỷ USD; thủy sản 4,36 tỷ USD; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD. Có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD đó là cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Nổi bật là xuất khẩu gạo, cà phê và rau quả tăng thêm cả sản lượng và giá trị.
Những con số trên đã tạo ra bức tranh đầy ấn tượng cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn còn một số tồn tại như việc các địa phương trồng ồ ạt vượt quá quy hoạch hay rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch tại một số thị trường khó tính…, nếu không xử lý quyết liệt, giá trị xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Vẫn là chuyện sầu riêng
Câu chuyện sầu riêng tăng nóng về diện tích, không kiểm soát được chất lượng, liên tục bị Trung Quốc cảnh báo không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong thời gian vừa qua là ví dụ điển hình. Gần đây nhất, theo văn bản thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có 77 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này bị phát hiện có chứa cadmium (một kim loại nặng) vượt mức cho phép. Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện được xác định có liên quan đến 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng. Ngoài các đơn vị bị cảnh báo, Trung Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam kể từ ngày 12/6/2024.
Về nguyên nhân của vụ việc, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), là do các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là Nghị định thư sầu riêng đã ký với Trung Quốc. Tỷ lệ giám sát hiện còn thấp, thậm chí nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không thực hiện giám sát theo quy định.
Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng; chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm; công tác ứng dụng công nghệ thông tin chưa được thông suốt quá trình từ sản xuất, đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu… dẫn đến việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa kịp thời và triệt để.
Mặt hàng sầu riêng còn gây “sóng gió” cho ngành nông nghiệp khi người người, nhà nhà đổ xô trồng sầu riêng. Diện tích trồng sầu riêng tăng chóng mặt trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000ha thì đến cuối năm 2023, con số này đã hơn gấp đôi, tới gần 151.000ha.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tại diện tích sầu riêng của tỉnh đã vượt quá quy hoạch đến năm 2025 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hệ luỵ là chuỗi cung ứng sản xuất, thu mua, xuất khẩu mặt hàng này hội tụ đủ các vấn đề từ tranh mua, tranh bán, bẻ kèo, bỏ cọc, vi phạm mã số vùng trồng… Trong khi địa phương không thể cấm người dân trồng mới hay can thiệp vào các hoạt động mua bán, chỉ có thể đưa ra khuyến cáo.
Cần có cơ chế pháp lý bài bản
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung yêu cầu Cục Trồng trọt phải nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng hiện tại để có phương án tổ chức sản xuất hợp lý; xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật cho trái sầu riêng tươi để làm cơ sở đánh giá chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn mà khách hàng yêu cầu. Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng và Phát triển thị trường cần hỗ trợ quy trình canh tác chuẩn cho cây sầu riêng, đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu. Các địa phương cần chủ động thực hiện tốt công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) liên kết xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng ổn định, mang lại hiệu quả lâu dài.
Theo đó, Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo các địa phương và DN cần giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chân chính.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, một số lô hàng sầu riêng gần đây bị cảnh báo nhiễm chất cấm đã ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Do đó, các DN cần tăng cường kiểm tra chất cấm ngay tại vườn và cơ sở đóng gói.
Ở góc độ DN, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - đề xuất, cần thiết phải có cơ chế pháp lý của ngành sầu riêng một cách bài bản. Bà Vy lấy ví dụ, Thái Lan là một nước xuất khẩu sầu riêng lớn, có được thành công và tạo được uy tín trên thị trường chính là nhờ vào sự nghiêm minh trong chế tài. Ở Thái Lan, chỉ cần một nông dân cắt sầu riêng non bị cảnh sát phát hiện thì mã số vùng trồng đó sẽ bị thông báo trên một fanpage, ở đó có sự tham gia của lãnh sự quán Trung Quốc để xử lý.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các quy định liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ quản lý, người sản xuất và các DN xuất khẩu, đặc biệt là ý thức về lợi ích của việc tuân thủ quy định và xây dựng uy tín cho ngành hàng; tập trung xây dựng hệ thống văn bản pháp luật (thông tư, nghị định) quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và quy định về xử lý vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích DN đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn; hoàn thiện hệ thống quản lý…
“Diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nông dân. Nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng cung vượt cầu như đã từng xảy ra đối với nhiều loại cây trồng khác, khi đó nông dân sẽ lại phải gánh nhận hậu quả vì chạy theo biến động thị trường”.
TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI)
“Hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp để phục vụ xuất khẩu. Mới đây, qua rà soát của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 17 tỉnh sản xuất, xuất khẩu sầu riêng thì có 5 tỉnh bị phía Trung Quốc cảnh báo nhiều lần. Nhiều trường hợp thông tin đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có quy mô, diện tích, sản lượng... chưa đúng với thực tế. Hầu hết các cơ sở đóng gói chưa có cán bộ kỹ thuật theo đúng quy định, hệ thống truy xuất đến từng mã số vùng trồng chưa đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định thư”.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT
“Doanh nghiệp cần thực hiện các phân tích và kiểm tra định kỳ trên sản phẩm để đảm bảo không có dư lượng thuốc trừ sâu hoặc các chất hóa học khác vượt mức quy định. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế”.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam
|