Khi người lao động cố gắng phấn đấu để có thu nhập tăng cao hơn thì lại nghĩ đến ngưỡng phải nộp thuế cao hơn, cho nên người lao động sẽ làm không hết năng lực, khả năng cũng như tâm lý của họ không nhiệt huyết trong công việc.
Việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng là mức tăng chưa từng có, mang tới nhiều kỳ vọng niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách chế độ gắn với mức lương cơ sở. Tuy nhiên cũng cần kiểm soát thị trường, điều chỉnh quy định về thuế thu nhập cá nhân ra sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn để tăng lương thực sự có ý nghĩa.
Là công chức tư pháp gần 3 năm, chị Lê Quỳnh Trang, ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đang hưởng lương hệ số 2,34 với mức hơn 4 triệu đồng/tháng. Mức lương này khó có thể đảm bảo chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Khi Quốc hội thông qua tăng lương cơ sở lên 30% thì cán bộ, công chức như chị cảm thấy rất phấn khởi.
“Công chức mới vào nghề như tôi cảm thấy rất vui mừng vì là như vậy mức lương của tôi sẽ được tăng lên đồng nghĩa với việc đời sống, sinh hoạt của tôi của có thêm một chút để chi trả cho cuộc sống hàng ngày” - chị Lê Quỳnh Trang nói.
Tương tự đối với nhiều giáo viên, tăng lương cơ sở 30% ở thời điểm này là động lực quan trọng để họ yên tâm làm việc. Với những người mà có thâm niên hàng chục năm công tác như cô giáo Trần Thu Hà, Phó Hiệu trưởng của một trường Trung học cơ sở ở huyện Quốc Oai, Hà Nội thì mức lương mới lên 16 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, với đa số giáo viên trẻ cùng công tác trong ngành chưa kịp mừng vì lương tăng từ 9 triệu đồng lên 12 triệu đồng, lại băn khoăn về mức giảm trừ gia cảnh và đóng thuế thu nhập cá nhân.
“Thực tế, trong ngành giáo dục của chúng tôi, thế hệ chúng tôi là những người bám nghề lâu rồi tôi rất mong nhà nước sẽ quan tâm tới ngành giáo dục về vấn đề lương. Tôi rất mong ở cấp trên là có thay đổi mức giảm trừ gia cảnh đối với giáo viên đang nuôi con nhỏ và nuôi bố mẹ già. Vì khi mà tăng lương như vậy thì số giáo viên được từ 12 triệu trở lên cũng nhiều mà như thế mà đối với những người mà trên 12 triệu đã phải đóng thuế thì gặp nhiều khó khăn” - cô giáo Trần Thu Hà nêu ý kiến.
Tăng lương là điều mà tất cả người lao động đều mong chờ, tuy nhiên, nếu tăng lương không đi cùng với việc giải quyết câu chuyện nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế giảm trừ gia cảnh, sẽ khiến cho người làm công ăn lương chịu áp lực đóng thuế thu nhập, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.
Sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Vân đang có con nhỏ cho biết: hiện thu nhập 1 tháng của chị khoảng 15 triệu đồng, sau khi giảm trừ gia cảnh nuôi 1 con thì chị vẫn thuộc đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân. Theo chị Thanh Vân, lương có tăng theo từng năm nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn “giậm chân tại chỗ” thì vẫn không phù hợp với người lao động sinh sống tại các thành phố lớn.
“Mức được giảm trừ của cơ quan thuế hiện đang thấp, kinh tế phát triển nên các chi phí đi theo của tôi cũng đang tăng. Ví dụ nuôi một trẻ nhỏ bây giờ với mức giảm trừ 4,4 triệu, trong khi đó mức hiện tôi đang chi trả để nuôi 1 em nhỏ bây giờ là đang không đủ so với mức thực tế tôi bỏ ra” - chị Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia, việc tăng lương cơ sở lần này là phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế, tiệm cận với các quy chuẩn quốc tế. Ông Bùi Sĩ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: việc không điều chỉnh kịp thời mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.
“Việc tăng tiền lương có lợi ích cho tất cả cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang ai cũng được nâng lương. Tôi cho rằng khi cải cách tiền lương thì chúng ta phải giữ cho tiền lương đó thực chất là lượng tiền để mà người cán bộ công chức viên chức tiêu dùng trong cuộc sống đảm bảo được cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho nên việc giảm trừ gia cảnh chúng ta phải tính toán rất kỹ…” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.
Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương và tiền công của người nộp thuế. Bà Lương Thị Thu, Tổng Giám đốc Công ty Đại lý thuế Tâm Việt cho rằng: thuế thu nhập cá nhân chủ yếu thu của người làm công ăn lương nên mức giảm trừ gia cảnh thấp như vậy không thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
“Hiện nay, nhiều đơn vị đang áp dụng mức lương khoán. Nhưng khi người lao động cố gắng phấn đấu để có thu nhập tăng cao hơn thì lại nghĩ đến ngưỡng phải nộp thuế cao hơn, cho nên người lao động sẽ làm không hết năng lực, khả năng cũng như tâm lý của họ không nhiệt huyết trong công việc” - bà Lương Thị Thu nói.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Sau hơn 4 năm duy trì, mức giảm trừ gia cảnh này được cho là đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng: “Cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn”.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi Chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20%, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và giao quyền điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho Chính phủ thực hiện xem xét hàng năm. Vì vậy, bên cạnh tăng lương, kìm chế lạm phát, nhiều ý kiến kiến nghị, Chính phủ sớm trình sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm nay và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm sau, để đảm bảo điều chỉnh đồng bộ hệ thống pháp luật cũng như quyền lợi cho người lao động./.
Theo VOV.VN