Doanh nghiệp xây dựng khu công nghiệp nội thua trên sân nhà?

  • 10/07/2024 06:50:03
  • Phương Việt
  • Kinh tế
  • 0

'Doanh nghiệp xây dựng khu công nghiệp nội cần nỗ lực để theo kịp doanh nghiệp nước ngoài nếu không muốn bị thua ngay trên sân nhà'.

 

“Doanh nghiệp xây dựng khu công nghiệp nội cần nỗ lực để theo kịp doanh nghiệp nước ngoài nếu không muốn bị thua ngay trên sân nhà” - đó là quan điểm của ông Vũ Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng QualiPro về việc thu hút FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp tại Việt Nam.

ông Vũ Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng QualiPro.

Theo ông, khi lựa chọn khu công nghiệp, nhà đầu tư sẽ xem xét các yếu tố nào?

Muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hệ thống cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp được coi là một trong những yếu tố cần chuẩn bị hàng đầu và sớm nhất.

Lợi thế đầu tiên được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là vị trí của khu công nghiệp có thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa như có gần đường cao tốc, đường sông, cảng biển, sân bay hay không? Khu vực dự án có dễ tuyển dụng lao động hay không? Các yếu tố về hạ tầng xã hội cho việc sinh hoạt, ăn ở của các chuyên gia, công nhân thế nào? Khu vực dự án có các yếu tố để phát triển cộng đồng doanh nghiệp tương hỗ nhau hay không?

Thứ hai là khu công nghiệp đã có đầy đủ tính pháp lý để thực hiện dự án hay chưa? Nhiều khu công nghiệp không thu hút các lĩnh vực ảnh hưởng đến môi trường như nhuộm, mạ… hoặc sử dụng nhiều tài nguyên điện, nước… Vì vậy, nhà đầu tư sẽ xem xét định hướng thu hút đầu tư của khu công nghiệp đó có phù hợp với các sản phẩm mà nhà đầu tư dự kiến sản xuất hay không.

Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất và các ưu đãi khác của khu công nghiệp thế nào? Có mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư hay không? Vì thực tế mỗi khu công nghiệp có tính chất khác nhau, khu công nghiệp tại các khu vực, địa bàn khác nhau sẽ được áp dụng những ưu đãi khác nhau theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp đó đến đâu? Nhà đầu tư rất quan tâm đến việc khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng, công suất đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các hạng mục chính như trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, thoát nước thải… như thế nào? Có đủ công suất cho nhà đầu tư sẵn sàng sử dụng được ngay hay không?

Thứ tư, các chi phí thuê đất, thuê nhà xưởng có phù hợp với túi tiền của nhà đầu tư hay không? Nhà đầu tư hết sức quan tâm đến các chi phí này trước khi quyết định lựa chọn khu công nghiệp để lập dự án và xây dựng nhà máy.

Phải chuẩn bị tốt hệ thống cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp mới thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng khu công nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài?

Trong những năm gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư FDI, tổng thầu xây dựng nước ngoài thực hiện các dự án tại Việt Nam. Thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể theo kịp và cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.

Doanh nghiệp nước ngoài có một số yếu tố mà doanh nghiệp trong nước chưa đạt được. Cụ thể là tiềm lực tài chính rất mạnh, đó là yếu tố rất quan trọng để một dự án có thể triển khai thành công và nhanh chóng. Tiếp theo là kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, triển khai dự án khoa học, ứng dụng những công nghệ, phần mềm từ khâu quản lý đến khâu xây dựng, vận hành. Doanh nghiệp nước ngoài có những công nghệ (nhiều khi là độc quyền), thiết bị đặc chủng, chuyên nghiệp… để triển khai dự án chính xác, nhanh chóng và chất lượng cao. Họ có đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều dự án lớn trên thế giới, tính chuyên nghiệp và sự chăm chỉ, năng suất cao. Nhân sự của chúng ta cần phải học hỏi và tôi luyện qua những dự án lớn thì mới có được.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng có những yếu tố có thể bù đắp. Một là, hiểu biết về các Luật, Nghị định của Việt Nam liên quan đến đầu tư, quản lý dự án cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, xây dựng, nghiệm thu… từ đó việc triển khai dự án được nhanh, đúng luật và các quy định. Hai là, hiểu biết về điều kiện địa lý, kinh tế xã hội, lực lượng lao động, vật liệu xây dựng… tại từng địa phương để từ đó các doanh nghiệp có các quyết định đúng đắn, kịp thời về đầu tư cũng như xây dựng. Ba là, các chi phí quản lý, xây dựng của các nhà thầu trong nước thường thấp hơn nhà thầu nước ngoài từ đó có mang lại một phần các lợi thế cạnh tranh về giá. Bốn là, người Việt Nam thông minh, chịu khó học hỏi, cầu tiến… nên sẽ rất nhanh tiếp thu, học tập được những công nghệ mới, sản phẩm mới từ đó tạo ra được những lợi thế, rút ngắn dần khoảng cách về năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông, thời gian tới Việt Nam nên định hướng phát triển các loại hình khu công nghiệp như thế nào để đạt được hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI?

Hiện nay, quy hoạch chung các tỉnh đã và đang được Chính phủ phê duyệt. Do đó, thời gian tới, chúng ta sẽ có rất nhiều khu công nghiệp được hình thành tại các tỉnh. Ngoài các khu công nghiệp truyền thống thì cần phát triển đa dạng loại hình khu công nghiệp xanh, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái…

Trong đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Các nhà đầu tư FDI đang rất quan tâm đến loại hình khu công nghiệp sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên, vì đó là một trong những yếu tố để sản phẩm của họ có thể vào được những thị trường cao cấp trên thế giới. Bởi, sản phẩm xanh, sạch được đánh giá từ khâu vật liệu, sản xuất đến sử dụng tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật trong sản xuất, vận chuyển, phân phối...

Xin cảm ơn ông!

Phương Việt thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận