Tăng năng suất, giảm giờ làm: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

  • 01/08/2024 00:02:52
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Tăng năng suất, giảm giờ làm là mục tiêu chung của người lao động trên thế giới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập của người lao động.

 

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động và xã hội, tăng lương, giảm giờ làm là yêu cầu chính đáng của người lao động. Người lao động luôn luôn mong muốn lương tăng, giờ làm giảm, có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, khi giảm giờ làm và lương vẫn giữ nguyên, tức là người lao động được tăng lương trên thực tế. Đặc biệt, người lao động có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn cũng sẽ tạo ra lượng tổng cầu tiêu dùng lớn hơn, kích thích sự phát triển các dịch vụ khác xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Khi rút ngắn thời gian lao động, người lao động sẽ làm việc năng suất hơn, chất lượng hơn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và duy trì sản lượng theo nhu cầu.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi áp dụng vào thực tế mỗi nền kinh tế lại khác nhau. Ví dụ, với các nước phát triển có năng suất lao động (NSLĐ) cao, của cải nhiều, việc giảm giờ làm giữ nguyên tiền lương dễ thực hiện. Còn đối với nước ta, mặc dù NSLĐ đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, những năm qua, NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 2011-2020 trung bình mỗi năm NSLĐ của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động, từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020; NSLĐ năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011. Năm 2021, NSLĐ của Việt Nam tăng lên mức 172,8 triệu đồng/lao động và năm 2022 NSLĐ đạt 188 triệu đồng/lao động.

Tốc độ tăng NSLĐ trong giai đoạn vừa qua của nền kinh tế đã có sự cải thiện đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm NSLĐ cần phải tăng khoảng 7,8%, đây là thách thức lớn đối với kinh tế nước ta trong thời gian tới. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức NSLĐ của Singapore; 15,4% của Mỹ; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. Điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp NSLĐ của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Khuyến khích đầu công nghệ hiện đại

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tăng NSLĐ và giảm giờ làm là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không thể nằm ngoài dòng chảy này. Vì thế, chúng ta phải nghiên cứu, xem xét để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian học tập, nghỉ ngơi, nâng cao năng lực cá nhân cũng như chăm sóc cho gia đình.

Theo thống kê từ Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân lao động chiếm khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, đóng góp trên 65% GDP của cả nước, song thực tế mức sống, tiền lương vẫn chưa đảm bảo, khiến người lao động buộc phải lựa chọn làm thêm giờ, tăng ca… Ngay tại Hà Nội, địa phương tập trung đông công nhân, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, mặc dù năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn tăng từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng, riêng quý 1/2023 đạt 7 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Khi năng suất cao thì mới có điều kiện giảm giờ làm mà không làm giảm thu nhập của người lao động.

Lý giải về nguyên nhân NSLĐ của nước ta thấp, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ở Việt Nam doanh nghiệp sản xuất chủ yếu vừa và nhỏ, phát triển dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, chưa chú trọng đến việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên năng suất lao động chưa cao. Máy móc, thiết bị công nghệ cũ, năng suất thấp, chất lượng kém. Không tiết kiệm được nguyên vật liệu, năng lượng dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

Dệt may là một ngành sử dụng nhiều lao động. Ảnh: Minh họa

Để tăng NSLĐ, doanh nghiệp phải sắp xếp lại quy trình và dây chuyền sản xuất, liên kết giữa doanh nghiệp trong cùng ngành nghề và những doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau trong việc tạo ra sản phẩm giúp cho việc sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, người lao động tự trau dồi, rèn luyện, học hỏi để nâng cao năng lực nhận thức, hiểu biết, khả năng làm việc của mình. Trình độ tay nghề thành thục sẽ quyết định NSLĐ.

“Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, giúp người lao động thích ứng với tiến bộ khoa học, công nghệ, thích ứng với trình độ sản xuất theo hướng hiện đại”, ông Thịnh cho hay./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận