Dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng hoa ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị năm 2018” đã giúp người dân tại xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định từng bước tiếp thu những kỹ thuật trồng hoa mới, nhưng vẫn còn đó nỗi trăn trở đầu ra cho sản phẩm...
Tạo đà liên kết sản xuất
Chúng tôi đến Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định vào đầu tháng 3 âm lịch, đúng vào dịp bà con nơi đây xuống giống hoa cho vụ hè. Trong tiết thanh minh, làng hoa Mỹ Tân không rực rỡ sắc hoa như những ngày giáp tết, mà xanh mươn mướt những cây non, điểm xuyết với sắc vàng, sắc đỏ của những luống hoa cúc sắp đến ngày thu hoạch. Khép mình bên bờ hữu sông Hồng, với phù sa đỏ nặng bồi đắp khiến thổ nhưỡng nơi đây phù hợp nhất với trồng hoa cúc. Hoa cúc Mỹ Tân nức tiếng bởi màu hoa sáng, thân dài và nhiều nhánh hơn hoa cúc ở các nơi khác. Hoa và giống hoa tại Mỹ Tân cung cấp cho hầu hết các tỉnh phía Bắc.
Xã Mỹ Tân có trên 600 hộ dân phát triển nghề trồng hoa tập trung chủ yếu tại thôn Hồng Hà, với diện tích trên 90ha, trong đó diện tích trồng hoa cúc chiếm 80%. Theo ông Trần Trọng Chung, Hội trưởng Hội Nông dân xã Mỹ Tân: “Có rất nhiều gia đình tại xã Mỹ Tân thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng hoa”.
Nhằm phát triển Mỹ Tân thành vùng hoa chuyên canh chất lượng cao, Hội Nông dân tỉnh Nam Định phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng và triển khai dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng hoa ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị năm 2018 tại xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định”. Mô hình có diện tích 5ha, với 14 hộ dân tham gia, được triển khai từ tháng 8/2018, với tổng kinh phí trên 1,092 tỷ đồng. Trong đó Trung ương hỗ trợ 424.131.200 đồng, các hộ dân đối ứng 668.284.400 đồng. Theo đó, các hộ dân tham gia được hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật. Được biết, dự án triển khai trồng giống cúc kim cương, cúc phan 7 màu, giống hoa đang được thị trường ưa chuộng, cho thu hoạch 70% đạt chất lượng tốt, có giá đắt hơn các loại hoa cúc khác từ 7 đến 10 giá. Cụ thể, cùng thời điểm giá bán của các loại cúc khác dao động từ 1.000 đồng đến 1.300 đồng/bông, thì cúc kim cương và cúc phan có giá bán 2.000 đồng/bông, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Theo đánh giá, dự án bước đầu phát huy hiệu quả hình thức sản xuất theo tổ hợp tác (THT). Ông Nguyễn Văn Khương, thôn Hồng Hà, chia sẻ: “Nếu như trước đây người dân chúng tôi sản xuất theo kiểu mạnh ai lấy làm, cạnh tranh về sản phẩm, giữ “bí quyết” sản xuất nhưng khi vào THT thì cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn cũng như đầu ra cho sản phẩm”.
Không phủ nhận hiệu quả mà mô hình THT sản xuất hoa theo chuỗi đem lại, ông Đặng Văn Phương, tổ trưởng THT thôn Hồng Hà cho hay: “Được sự quan tâm của các cấp, ngành thành lập THT nên việc làm ăn của bà con không còn manh mún, từng bước phát triển tạo đà cho cây hoa Mỹ Tân vươn xa hơn nữa”.
Làng hoa có vươn xa?
Tuy nhiên theo ông Đặng Văn Phương: “Hiện nay, Trung ương hỗ trợ kinh phí để chuyển hóa cây giống của hoa cúc truyền thống, chứ chưa tập huấn và chuyển giao các giống hoa mới. Người dân chúng tôi mong muốn thông qua THT được học hỏi, tập huấn về kỹ thuật công nghệ cao và tiếp cận được các giống hoa mới, cao cấp”.
Theo chia sẻ của người trồng hoa tại Mỹ Tân, dù không phải lao đao tìm đầu ra cho sản phẩm như nhiều vùng sản xuất nông nghiệp khác, nhưng câu chuyện được mùa rớt giá chưa bao giờ là ngoại lệ với họ. Cụ thể, theo người dân, thời điểm trước Tết Nguyên đán năm 2019, hoa rớt giá thảm hại, có lúc chỉ 200 đồng/bông, nhưng đến rằm tháng Giêng hoa lại được giá không ngờ. Hay trước dịp thanh minh, hoa giá rẻ nhưng đến thời điểm hiện nay thì không có hoa mà bán.
Hiện tại, hoa ở Mỹ Tân được tiêu thụ chủ yếu cho thương lái các tỉnh, và người dân tự mang ra các chợ tại thành phố Nam Định và các vùng lân cận bán. Cũng có một phần nhỏ hoa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào nhưng hầu hết theo con đường tiểu ngạch. “Tham gia THT trồng hoa theo chuỗi, năng suất hoa sẽ tăng cao, chất lượng hoa được nâng lên. Nhưng thị trường bấp bênh, không may đúng dịp rớt giá bà con lại rơi vào cảnh khốn khó là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, mong muốn của bà con được hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra, để bà con yên tâm sản xuất”, ông Trần Trọng Chung bày tỏ.
Ông Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết: “Đúng là dự án chưa bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hội cùng với các ngành tham mưu cho tỉnh có phương án hỗ trợ bà con trồng hoa. Hội Nông dân sẽ cùng các đơn vị khác tham mưu cho tỉnh thành lập chợ đầu mối tại xã Mỹ Tân để giúp và con vận chuyển và giao thương hàng hóa thuận lợi”.
Thiết nghĩ, để xây dựng mô hình sản xuất hoa tập trung, theo chuỗi đạt hiệu quả, thu hút được người dân tham gia, cần đảm bảo song hành các yếu tố giống, kỹ thuật và đặc biệt là giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sản phẩm./.