Chia ca, phân kíp ngày đêm
Những ngày giữa tháng 7, miền Bắc đang bước vào cao điểm khắc nghiệt của thời tiết, mưa nắng thất thường. Đoàn của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định dẫn chúng tôi đi thực địa hai trong nhiều dự án hạ tầng giao thông huyết mạch của tỉnh Nam Định là tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (ĐT.484) và dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định đến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II). Chỗ thì nắng cháy, nơi thì mưa như tháo trận. Mặc dầu vậy, công nhân trên toàn tuyến vẫn nỗ lực cùng nhau "vượt nắng, thắng mưa" để thi công cho kịp tiến độ.
Ông Vũ Xuân Đan, cán bộ kỹ thuật công ty Cổ phần xây dựng Nasaco cho biết: “Bất kể ngày nắng hay ngày mưa chúng tôi đều thi công liên tục, có khi chia ca, phân kíp triển khai làm cả ban đêm để đáp ứng công việc tiến độ đề ra. Anh em đều nhiệt tình. Đặc biệt, anh em rất phấn khởi vì được thi công tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh, luôn luôn động viên nhau cố gắng làm việc để hoàn thành nhiệm vụ”.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển nằm trong quy hoạch mạng lưới đường giao thông trọng điểm của tỉnh Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án đi qua 5 huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy, thời gian thực hiện 5 năm (2022-2027). Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, quy mô đường cấp I đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng nền đường 39m, mặt đường 8 làn xe, giải phóng mặt bằng trên phạm vi toàn tuyến với mặt cắt ngang khoảng 100m, toàn tuyến có 11 cầu với có 2 cầu lớn, 2 cầu chung và 7 cầu nhỏ, trong đó có cầu vượt sông Châu Thành.
Cùng với dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, dự án Xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ Cao Bồ đến cầu Thịnh Long, khoảng 36,4km và đoạn từ đường dẫn lên cầu Thịnh Long đến KCN dệt may Rạng Đông dài khoảng 9,6km, cũng đã triển khai, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng giai đoạn I (2017 - 2021) với chiều dài toàn tuyến khoảng 32km. Hiện dự án đang triển khai giai đoạn II (2021 - 2025). Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, mở ra không gian phát triển về đô thị, công nghiệp; đặc biệt là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia cao tốc Bắc Nam. Dự án còn kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị trong khu vực và các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn như các Quốc lộ: 10, 37B, 37C, 21B, các tuyến đường tỉnh 490C, 488C và tuyến đường bộ ven biển. Dự án hoàn thành sẽ tạo tiền đề thúc đẩy việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư, tạo việc làm và phát triển du lịch...
Ông Nguyễn Đức Đại, Phó Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Trường - đơn vị thi công dự án, cho biết: “Ngay sau khi nhận mặt bằng, nhà thầu đã tập trung máy móc thiết bị triển khai thi công, xây dựng tiến độ chi tiết với hàng trăm đầu máy và hàng nghìn công nhân. Đến nay mặt bằng công đã đảm bảo 100%, công trình đã hoàn thành 90% khối lượng, cơ bản nền đường đã thảm hai lớp, chỉ còn một số điểm xử lý nền đất yếu. Dự kiến tháng 8 năm 2024 sẽ thông đường. Đối với hạng mục cầu Đống Cao đã thi công được 12/14 điểm dầm dẫn, dự kiến cuối tháng 8 và đầu tháng 9 sẽ hợp long. Theo hợp đồng công trình hoàn thành vào quý IV năm 2025, nhưng nhà thầu sẽ quyết tâm hoàn thành công trình vào tháng 4 năm 2024, sớm hơn dự kiến 1 năm”.
Để mạng lưới giao thông được liên hoàn, thuận tiện
Kết cấu hạ tầng giao thông của Nam Định đã có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên lưu thông trên tuyến đường bộ vẫn chưa thông suốt, thuận tiện, còn nhiều “điểm nghẽn”, sẽ là rào cản trong khai thác hiệu quả của các cao tốc trọng điểm. Hệ thống đường sông luồng tuyến chủ yếu dựa vào dòng chảy tự nhiên chưa được quan tâm nạo vét, chỉnh trị. Hệ thống phao tiêu biển báo còn thiếu. Các sông địa phương quản lý hầu hết qua các cống ngăn mặn dưới đê nên hạn chế tĩnh không, chỉ cho phép loại tàu 100T qua lại. Những sông này chủ yếu phục vụ vận tải cự ly ngắn trong từng huyện, luồng tuyến có cấp kỹ thuật thấp chủ yếu là cấp VI. Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều tuyến kênh, mương với khả năng khai thác vận tải không cao, chủ yếu phục vụ tưới tiêu, thủy lợi hoặc vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ.
Chia sẻ về điều này ông Phạm Hồng Thái - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, đặc trưng giao thông của Nam Định là mạng lưới đường bộ dạng đường xuyên tâm có đường vành đai. Các trục quốc lộ 10, 21, 21B và 38B đều đi qua trung tâm thành phố Nam Định và đi qua rất nhiều sông như: Sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào, tạo nên các điểm vượt sông, gây khó khăn cho việc đi lại. Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là sự quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều cây cầu đã và đang được đầu tư xây dựng mới như: Cầu Tân Phong, cầu Thịnh Long, cầu Bến Mới, cầu Đống Cao xóa bỏ được một số điểm nghẽn trong giao thông.
Tuy nhiên, một số điểm vượt sông vẫn phải sử dụng phà, cầu phao như: Bến phà Đại Nội trên QL 21B, bến phà Sa Cao trên đường tỉnh 489, cầu phao Ninh Cường trên QL 37B, bến phà Ninh Mỹ trên tỉnh lộ 488C, bến Kinh Lũng trên tỉnh lộ 485B và nhiều bến khách ngang sông trên đường tỉnh, đường huyện khác. Cùng với đó, hệ thống cầu trên một số tuyến quốc lộ và đường địa phương có khổ hẹp, tải trọng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, ảnh hưởng đến việc kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh Nam Định với các tỉnh lân cận. Nhiều tuyến đường có quy mô kỹ thuật thấp chưa được cải tạo nâng cấp, mở rộng, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Ông Phạm Hồng Thái cho biết thêm, suất đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải tăng cao, nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản rất lớn, nhất là các chương trình, dự án lớn trong khi tỉnh Nam Định lại chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định. Vì thế Để tháo gỡ bất cập, tỉnh mong muốn tiếp sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, phê duyệt xây dựng thêm cầu tại các nút giao thông điểm nghẽn, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn thông thoáng kết nối với các tuyến đường huyết mạch tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, thuận tiện cho nhân dân đi lại và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
“Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh quy hoạch chung tỉnh Nam Định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó xác định rõ thứ tự ưu tiên để từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh”.
Ông Phạm Hồng Thái - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định
|