Giá bất động sản tăng có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư

Từ cuối năm 2023 đến nửa đầu của năm 2024, giá nhà đất tăng lên rất nhanh, cá biệt có những sản phẩm tăng 30%, đặc biệt là phân khúc nhà chung cư.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, giá chung cư tăng bất thường chưa hợp lý: “Tôi cho rằng, tác động từ nhóm lợi ích nào đó chưa phù hợp lắm trong bối cảnh kinh tế, thị trường, thu nhập người dân chưa hồi phục. Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng. Tuy nhiên, tại sao họ làm được như vậy?

Rõ ràng nguồn cung đang có vấn đề. Mấy năm nay, thị trường không có dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư. Các dự án chủ yếu là dự án cũ và dự án đã mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cung cho người dân, người nghèo rất ít, cấu trúc sản phẩm không phù hợp”.

Trong khi nhu cầu của người dân về nhà ở và nhu cầu của nhà đầu tư vào bất động sản lớn, nhưng nguồn cung thiếu hụt điều này khiến thị trường một phần dẫn dắt, tạo sóng bởi một nhóm nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Chúng ta cần có điều chỉnh. Hy vọng bắt đầu từ 1/8, nhiều dự án được tháo gỡ, nguồn cung sẽ được đẩy vào thị trường nhiều hơn. Nhiều sự lựa chọn về chung cư, condotel, căn hộ nghỉ dường, nhà ở chất lượng sẽ xuất hiện phong phú, giảm áp lực cung cầu, giá cả sẽ được điều chỉnh”.

Từ cuối năm 2023 đến nửa đầu của năm 2024, giá nhà đất các thị trường đều tăng lên rất nhanh.Thị trường có nhiều dự án mới, có vài nghìn sản phẩm chung cư được mở bán giải toả được cung cầu. Cung mới đa dạng sẽ khiến những khu vực trước đây giá có hiện tượng bong bóng, tăng "sốt ảo", sẽ được điều chỉnh về với giá trị thực.

Các doanh nghiệp bất động sản, dự án bất động sản không chỉ khó khăn sau đợt khủng hoảng, mà khó khăn diễn ra trước đây khoảng 5 năm trước. Có tới hàng nghìn dự án phải dừng lại không triển khai được nữa. Lý do các dự án không triển khai được là do vướng mắc về thể chế, pháp lý mâu thuẫn chồng chéo bất cập trong các quy định pháp luật.

Thống kê, có tới trên 3 tỷ USD từ các dự án bất động sản không triển khai được. Cần phải nói rằng, dự án bất động sản không triển khai được. Điều này đã kéo theo các ngành nghề khác liên quan ảnh hưởng như: Ngành vật liệu, tiêu dùng, nội thất, điện tử.... Qua đó, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, sức khoẻ của hàng trăm doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp dịch vụ khác bị ảnh hưởng.

Ngày 1/8, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đặt vấn đề, luật có hiệu lực, chúng tôi có được tháo gỡ khó khăn không? Có được mở bán hàng không?

Từ các luật có hiệu lực, kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc về cơ chế cho các dự án, doanh nghiệp. Khách hàng cũng được hỗ trợ khi luật ban hành sẽ rất minh bạch, khi tham gia các dự án hạn chế rủi ro, đảm bảo tiến độ và các vấn đề pháp lý.

Phương Hoài/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận