Theo khảo sát, giá vé máy bay chặng từ Hà Nội đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo... trong tháng 8 đều tăng trở lại. Mức tăng khoảng từ 500.000 đến gần 2 triệu đồng so với thời điểm tháng 6.
Cụ thể, chặng bay Hà Nội - Phú Quốc từ nay đến hết tháng 8, giá vé một chiều hạng phổ thông của Vietnam Airlines có giá dao động 2,8 - 3,6 triệu đồng/vé. Giá vé của Vietravel Airlines, Vietjet Air từ 1,6 - 2,9 triệu đồng, cao hơn 700.000 - 1,5 triệu đồng so với tháng 6.
"Nóng" nhất vẫn là chặng Hà Nội - Côn Đảo (bay nối chuyến) giá vé một chiều hạng phổ thông dao động từ 2,4 đến 4 triệu đồng, cao hơn khoảng 1 triệu đồng so với hồi tháng 6. Theo đó, giá vé của VietJet Air, Vietnam Airlines, Vietravel Airlines một chiều giá 3,3 - 3,5 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí), tăng từ 800 - 1,5 triệu đồng so với hồi tháng 6.
Tuy giá vé máy bay tăng nhưng theo lãnh đạo một hãng hàng không, do đây là thời điểm cuối của kỳ nghỉ hè nên giá vé chỉ tăng ở một số chặng đặc thù và vẫn nằm trong khung giá trần quy định.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - quy luật thông thường của thị trường là giá vé máy bay sẽ giảm vào thời gian cuối của cao điểm du lịch hè. Nhất là thời điểm này, các hãng vừa thuê thêm máy bay để tăng cung ứng, vì thế cũng nên tính toán hạ giá vé để kích thích nhu cầu đi lại của người dân nhằm khai thác hết số lượng ghế trên mỗi chuyến bay.
"Giá vé có thể giảm thấp hơn, nhưng nếu số lượng ghế trống ít thì vẫn sẽ cho lợi nhuận của mỗi chuyến bay", ông Tống nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nhu cầu đi lại của người dân cao nhưng nếu giá vé máy bay đắt đỏ, khách sẵn sàng lựa chọn các phương tiện đi lại khác như ô tô cá nhân, tàu hỏa, thuê xe riêng, xe khách. Trừ một số trường hợp bất khả kháng họ mới buộc phải đi máy bay.
Theo dự báo của Cục Hàng không, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2024 sẽ đạt xấp xỉ 78,3 triệu khách và 1,21 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 7,7% về hành khách và 13,4% về hàng hóa so với năm 2023, đồng thời tương đương các mức sản lượng năm 2019.
Nhưng tính đến hết tháng 7, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam được cấp chứng chỉ khai thác tàu bay AOC là 195 chiếc, giảm 36 chiếc, trong đó, số tàu bay khai thác trung bình là 167 chiếc, giảm 51 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhằm hạn chế tác động của giá vé máy bay tăng cao, Cục Hàng không yêu cầu các hãng xây dựng các dải giá vé linh hoạt. Bên cạnh đó, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá vé trên đường bay nội địa phù hợp với thực tiễn thị trường vận tải hàng không, cũng như nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.
Tuy vậy, Cục Hàng không nhận định, các hãng bay đang cung ứng vé ở mức giá tương thấp so với trần quy định.
Hàng không tăng tốc thuê máy bay
Để đối phó với tình trạng thiếu máy bay, các hãng hàng không gần đây liên tục tăng tốc thuê thêm.
Theo đó, Vietnam Airlines vừa nhận thêm các máy bay Airbus A320Neo, Boeing 787-10 trong tháng 7. Hãng sẽ tăng thêm hàng nghìn chuyến bay đêm từ 21h đến 5h hôm sau.
Vietjet cũng thông báo tăng 3.100 chuyến trên toàn mạng bay nội địa, tương đương 1,4 triệu vé được bổ sung từ nay đến cuối năm.
Pacific Airlines nhận thêm một máy bay từ Vietnam Airlines. Đây là chiếc thứ 2 trong tổng số 3 máy bay của Vietnam Airlines được Pacific Airlines thuê.
Bamboo Airways cũng "thuê ướt" 3 máy bay Airbus A320, nâng tổng số máy bay khai thác lên 8 chiếc. Hãng này dự kiến tiếp tục thuê thêm để tăng quy mô đội bay lên 12 chiếc vào cuối năm nay và lên 18 chiếc vào cuối năm 2025, nếu điều kiện thị trường cho phép.
|
PHẠM DUY/VTC.VN