7 tháng năm nay, tỉnh Khánh Hòa mới giải ngân đầu tư công được 27%. Nhiều dự án đang gặp khó khăn trong giải ngân vì vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Khu tái định cư Vĩnh Thái tại thành phố Nha Trang do Ban Quản lý các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án là cấp đất tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, dự án quan trọng này kéo dài nhiều năm qua do vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Dự án có diện tích rộng hơn 8 héc-ta nhưng đến nay mới thi công được gần một nửa, phần diện tích còn lại có 40 hộ dân chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng.
Ông Quách Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết: "Dự án tái định cư Vĩnh Thái, chúng tôi bắt đầu thi công từ cuối năm 2018, đến nay đã 5-6 năm rồi. Dự án này ngoài tái định cư tại chỗ còn có 297 lô đất để tái định cư cho các dự án khác. Khó nhất vẫn là giải phóng mặt bằng, chưa có mặt bằng để thi công cũng chưa thể bàn giao cho các đơn vị khác. Việc chậm này sẽ ảnh hưởng không chỉ dự án Khu tái định cư Vĩnh Thái mà còn các dự án khác cần quỹ đất tái định cư tại Khu tái định cư Vĩnh Thái này".
Trong khi đó, các dự án trọng điểm không vướng mặt bằng, tiến độ thi công đảm bảo, giải ngân vượt kế hoạch. Cụ thể như công trình như Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khởi công từ tháng 4 đến nay đã thi công xong phần móng. Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa khởi công từ cuối năm 2023 đến nay đã cất nóc, hoàn thành phần thô các tòa nhà.
Ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, 2 dự án Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Cung Văn hóa thiếu nhi sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2025, kịp chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
"Các dự án cũng đã dự trù trước thời gian từng tháng trong năm để có kế hoạch triển khai đảm bảo tính khoa học, hợp lý. Các dự án trọng điểm đã đưa ra kế hoạch đảm bảo phù hợp với thời tiết, khi mà mưa thì triển khai những hạng mục bên trong của các tòa nhà để đảm bảo không ảnh hưởng thời tiết và khi nắng ráo thì chúng tôi tiếp tục thi công bù những ngày bị ảnh hưởng thời tiết mưa. Các dự án phải đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn", ông Hiến nói.
Hiện tỉnh Khánh Hòa có 11 dự án đầu tư công được giao kế hoạch vốn lớn nhưng gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư và đền bù, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp huyện, tập trung đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn phân cấp cho cấp huyện và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Các Sở, ngành điều động, bổ sung nhân sự có chuyên môn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố khắc phục tình trạng thiếu nhân lực.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 2 con số thì việc giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhìn lại 7 tháng vừa qua, tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính là thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án. Việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc do công tác xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở cấp huyện triển khai rất chậm.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần phải tháo gỡ những vướng mắc này để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công: "7 tháng vừa qua còn lĩnh vực yếu là giải ngân đầu tư công. Mặc dù vậy, UBND tỉnh vẫn cam kết với Thủ tướng Chính phủ, hết năm, sẽ đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95%. Tuy nhiên, đến nay mới đạt 27%. Hy vọng trong tháng 9, cải thiện được chỉ số này, khi tỉnh Khánh Hòa chấm thầu xong đầu tư xây dựng tuyến đường Khánh Sơn - Khánh Vĩnh, đường Nha Trang - Diên Khánh, các tuyến đường tại Khu Kinh tế Vân Phong. Cuối tháng 8 sẽ chọn được các đơn vị thi công".
Thái Bình/VOV-Miền Trung