Gỡ thẻ vàng IUU: Cùng nhau xây nền vững bền cho nghề cá

  • 23/08/2024 09:45:26
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Tuyên truyền, vận động ngư dân cam kết không khai thác thủy hải sản bất hợp pháp (IUU) là một trong những giải pháp để Việt Nam tận dụng cơ hội cuối cùng gỡ thẻ vàng IUU vào tháng 10/2024. Nghề cá bền vững chỉ có thể tạo dựng được trên nền ý thức tự giác của ngư dân.

 

Vi phạm giảm nhưng còn phức tạp

Những ngày cuối tháng 8, tiết trời Nam Định oi bức, xen kẽ mưa dông. Con đường trải nhựa dẫn ra cảng Ninh Cơ, cảng Thành Vui… nằm trên địa phận thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu mới sáng sớm đã nóng hầm hập. Dưới cảng, hàng trăm con tàu đang neo đậu, ngư dân tất bật chuẩn bị ngư cụ, thực phẩm... và các thủ tục cho chuyến ra khơi mới. Các cán bộ của Ban quản lý (BQL) cảng cá túc trực 24/24 quản lý, giám sát tàu rời bến cập bến.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa theo dự kiến, Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành thanh tra lần thứ 5, là cơ hội cuối cùng để gỡ thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam. Mặc dù sản phẩm của Nam Định chưa xuất đi Liên minh châu Âu (EU), nhưng hoà nhịp chung với cả nước, Nam Định quyết liệt vào cuộc tăng cường tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức, tuyệt đối tuân thủ quy định về chống khai thác IUU, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm…

Tại cảng cá Ninh Cơ, các chủ tàu phải chủ động thông báo với BQL cảng trước 1 giờ. Đối với tàu cập bến, cán bộ kiểm soát căn cứ vào biển số tàu, tra cứu trên hệ thống quản lý tàu cá của Tổng cục Thuỷ sản xem tàu có vi phạm gì không, có đầy đủ điều kiện hay không, sau đó mới quyết định cho cập bến, hướng dẫn sắp xếp, bốc xếp và giám sát sản lượng, thu nhật kí khai thác để xác nhận nguồn gốc thuỷ sản. Quá trình mua, bán cá đều được nhân viên của BQL giám sát sản lượng chặt chẽ. Tương tự, với tàu rời bến sẽ được kiểm tra giám sát hành trình, liên kết hệ thống… đảm bảo đủ điều kiện trước khi vươn khơi.

                      Ngư dân phân loại cá tại Cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu.

Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc BQL cảng cá Nam Định - cho biết, nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định đặt trụ sở ngay tại cảng cá Ninh Cơ. Đối với bến cá tư nhân, BQL cảng cá Nam Định yêu cầu BQL bến thu nhật ký khai thác nộp về để kiểm tra, hoàn thiện thủ tục hồ sơ.

Tại cảng cá Thành Vui, BQL cảng cũng quyết liệt chung tay cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng IUU. Ông Nguyễn Minh Hiển, Trưởng BQL cảng cá Thành Vui cho biết, cảng có 62 tàu dài từ 15m trở lên. Ngày nào bộ phận văn phòng cũng trực 24/24, kiểm tra duy trì giám sát hành trình từ khi tàu xuất bến cho đến khi ra tới vùng khai thác. “Trong trường hợp mất tín hiệu, chúng tôi sẽ thông báo cho Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, thông báo cho chủ tàu quay về bờ ngay để khắc phục hệ thống” - ông Hiển cho hay.

Kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng theo Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định thì vẫn còn tình trạng tàu vi phạm, dù có xu hướng giảm. Từ 01/01/2023 đến hết năm 2023, tỉnh Nam Định đã xử phạt vi phạm hành chính 3.080.000.000 đồng với 183 vụ, xử lý 209 đối tượng. Từ đầu năm 2024 đến ngày 12/8/2024, tỉnh Nam Định đã xử phạt vi phạm hành chính 1.257.750.000 đồng với 121 vụ và 111 đối tượng. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu là không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m; không thông báo các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý trước khi rời cảng theo quy định; không viết số đăng ký tàu cá theo quy định; tàng trữ công cụ kích điện; hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng…

Về thực trạng chung trong cả nước, thông báo số 275/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), mới đây chỉ rõ: tại một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU như: tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp, tinh vi; xảy ra nhiều trường hợp cố tình tháo gửi, tiếp tay vận chuyển thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) để đi khai thác bất hợp pháp; chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “03 không”; việc khắc phục những tồn tại hạn chế phía Ủy ban châu Âu (EC) chỉ ra trong đợt thanh tra lần thứ 4 chưa có nhiều chuyển biến tích cực... Nếu tình trạng này tiếp diễn, khả năng gỡ được trong năm 2024 là rất thấp, thậm chí bị nâng lên thành cảnh báo “thẻ đỏ” trong đợt thanh tra lần thứ 5 sắp tới của EC.

Nâng cao ý thức tự giác của ngư dân

Lý giải nguyên nhân, ở góc độ địa phương, bà Cao Thị Nga, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định cho biết, nhà mạng cung cấp thiết bị và dịch vụ tốt. Khi phát hiện mất tín hiệu, bộ phận trực sẽ liên lạc cho chủ bằng mọi cách thông báo cho chủ biết máy của họ không có tín hiệu, nếu không khắc phục thì phải cho tàu về bờ ngay và sẽ bị xử lý. Nếu lỗi do mạng, nhà cung cấp sẽ hỗ trợ tích cực để khắc phục và cung cấp hồ sơ cho các cơ quan chức năng chứng minh lỗi không phải do chủ tàu với mục đích đảm bảo lợi ích cho ngư dân. Khi mất kết nối, Nam Định đã hướng dẫn chủ tàu chụp lại màn hình để xác định vị trí và nhắn tin 6 tiếng 1 lần về bờ. Chính vì thế, nếu vi phạm xảy ra thì đa phần do ngư dân không quan tâm duy trì bảo dưỡng thiết bị, không cấp nguồn đầy đủ, hoặc là cố tình vi phạm và đổ lỗi cho khách quan.

Bà Nga cho biết, khi tàu về bờ cán bộ quản lý ngoài việc giải thích cho chủ tàu còn tổ chức nhiều lớp tập huấn để ngư dân xác định được lỗi nào là lỗi chủ quan, lỗi nào từ nguyên nhân khách quan, tuyên truyền để họ chủ động khắc phục lỗi do mình gây ra, quan tâm việc bảo dưỡng thiết bị. Nam Định cũng hướng dẫn lắp thiết bị có năng lượng mặt trời để khi bà con tắt máy nghỉ trên biển thì thiết bị giám sát hành trình vẫn duy trì hoạt động bình thường.

Ngư dân đang chuẩn bị cho chuyêns ra khơi mới tại cảng cá Thành Vui, huyện Hải Hậu. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Hiển cho biết, cảng cá Thành Vui thường xuyên hướng dẫn bà con bảo trì thiết bị. Đối với thiết bị cũ, cảng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con như đổi mới lấy cũ.

Ông Lê Trung Tân, chủ tàu KG-9315-TS, Kiên Giang chia sẻ, thực tế chỉ có một số ít ngư dân cố tình vi phạm. Con số này dù ít nhưng đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân, đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Được các cấp ngành tuyên truyền nên chúng tôi ý thức rất rõ, khắc phục thẻ vàng đồng nghĩa với việc giữ được sự khai thác bền vững, bảo vệ được nguồn lợi, bớt lãng phí, khai thông được thị trường có khả năng trả giá cao. Mục tiêu của ngư dân bây giờ không phải là đánh bắt được nhiều cá, mà làm thế nào để giữ được giá trị hải sản.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Bộ gần như đã hoàn thành tất cả những thể chế, quy định cuối cùng theo kiến nghị của EC. Không chỉ là sự quyết liệt ở Trung ương mà ngư dân cần hiểu được đây là sự sống còn, không phải là IUU nữa mà là nghề cá bền vững của chúng ta. Không phải vì một đợt thanh tra mà chúng ta đối phó, việc gỡ tấm thẻ này là bước đầu để chúng ta vào một ngành thủy sản phát triển bền vững”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến vào tháng 10 năm 2024) là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024; do đó các ngành, các cấp có liên quan từ Trung ương đến địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo thẻ vàng; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay; trong đó tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến tháng 9 năm 2024, đảm bảo có số liệu, kết quả chứng minh cụ thể để làm việc với Đoàn thanh tra của EC./.

“Kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6 - 10%. Thẻ vàng này còn ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, gây tổn thất về mặt kinh tế đối với ngư dân ven biển và các doanh nghiệp”.

                                                                                                                                                                           Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản

“Chúng ta vẫn có cơ hội để gỡ được cảnh báo thẻ vàng IUU trong tháng 10 tới, tuy nhiên với những tồn tại hiện nay, cần có sự cố gắng đến 200 - 300% và triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp, có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là nâng cao ý thức của ngư dân”.

                                                                                                                                                                 Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận