Phân quyền mà không giám sát cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước không dám làm

Việc phân quyền mà không quy định cụ thể việc giám sát rất khó để doanh nghiệp Nhà nước yên tâm làm việc.

 

Đây là ý kiến được nêu lên tại Hội thảo góp ý dự án Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 22/8.

Phải có biện pháp giám sát rõ ràng

Góp ý vào vấn đề phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Lê Tấn Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) bày tỏ tâm tư. Bởi, cũng chính từ việc phân cấp, phân quyền để cho doanh nghiệp được tự làm, nhưng 2-3 năm sau kiểm tra lại thì được cho là sai và đã có rất nhiều cán bộ vướng vòng lao lý và IPC là một ví dụ điển hình.

Cho nên, theo ông Lê Tấn Cường, ngoài việc phân cấp phân quyền thì rất cần cụ thể trong công tác giám sát. Lấy ví dụ về công tác giám sát, ông Cường cho biết, khi ông còn làm việc tại đơn vị Quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước thuộc Sở Tài chính TP.HCM, thông thường đoàn liên ngành sẽ kiểm tra doanh nghiệp trong Quý 1, từ đó giúp doanh nghiệp yên tâm làm việc. Nhưng theo dự án Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì chưa rõ ràng.

Ông Cường phân tích thêm: “Bây giờ theo luật mới này, phân cấp gần như là hết, kể cả tiền lương. Riêng việc tiền lương trước đây giao cho Sở Lao động Thương binh Xã hội mà còn cãi tới cãi lui, mà bây giờ giao cho chúng tôi làm. Nhưng mai mốt lương ông cao quá, ông thấp quá, báo chí đăng liên tục. Tôi đề nghị, cơ chế giám sát cần cụ thể hơn, cơ quan nào giám sát, cần thiết thì thành lập hàng năm một đoàn kiểm tra hỗ trợ để doanh nghiệp yên tâm hơn trong công việc. Làm mà nhiều anh em về hưu rồi vẫn bị mời lại, anh em rất sợ”.

Toàn cảnh hội thảo.Cần nguyên tắc bảo vệ người dám làm

Bàn về vấn đề phân phối lợi nhuận sau thuế ở doanh nghiệp có vốn Nhà nước, ông Vũ Ngọc Nam, đại diện của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đồng tình với đề xuất của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội về việc trích lại 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Quỹ Đầu tư này sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương, tiền công…

Nhưng, ông Nam cho rằng, việc điều chuyển Quỹ Đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước này sang doanh nghiệp Nhà nước khác là chưa phù hợp với quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp. Hơn nữa, Quỹ Đầu tư phát triển có nguồn gốc từ việc trích lợi nhuận sau thuế, là thành quả kinh doanh của một tập thể doanh nghiệp nên việc điều chuyển sẽ làm mất động lực của doanh nghiệp.

Theo dự án Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải đáp ứng các tiêu chí bảo toàn, phát triển và hiệu quả. Ông Vũ Ngọc Nam cho rằng, cần phải có văn bản hướng dẫn như thế nào là bảo toàn, như thế nào là hiệu quả để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư vào những dự án nghiên cứu khoa học mang tính tiên phong:

“Ví dụ như chúng tôi cũng có đầu tư vốn nghiên cứu khoa học, đầu tư một cái dự án ở bên Nga sản xuất turbin điện gió 9 cánh đồng trục, mỗi trục là có 4 - 5 cánh. Đây cũng là một dự án rủi ro rất nhiều, giá trị đầu tư trên 270 tỉ. Nếu mất khoản vốn này, hoặc không thành công với một dự án nghiên cứu khoa học mang tính tiên phong, thì có lẽ là cũng rơi vào trường hợp không bảo toàn và phát triển hiệu quả vốn đầu tư. Chúng ta phải cần phải có một nguyên tắc để chúng ta bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm như là đi tiên phong đối với những dự án mang tính chất có tính sự rủi ro, nghiên cứu khoa học rất cao”.

Việt Đức/VOV-TPHCM
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận