'Nặng gánh' với khoản nợ trái phiếu bất động sản

Áp lực đáo hạn luôn là rủi ro hiện hữu đối với thị trường trái phiếu DN (TPDN) khi mà TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán trong quý IV/2024 và 2025 còn cao...

 

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp

Theo FiinGroup, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến 13/8 đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng dẫn đầu với giá trị phát hành đạt với 136.500 tỷ đồng, theo sau là bất động sản với 43.200 tỷ đồng. Nếu tính cả gốc và lãi, số dư trái phiếu doanh nghiệp đến hạn năm nay ở mức 315.000 tỷ đồng và đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ đồng vào năm tới.

Tình hình chậm trả dần được cải thiện năm nay so với đỉnh điểm năm ngoái, đặc biệt là nhóm trái phiếu bất động sản, do các nhà đầu tư và tổ chức phát hành đã chủ động tái cơ cấu nợ trái phiếu.

Tính đến tháng 5/2024, giá trị TPDN có vấn đề ở mức 145.000 tỷ đồng, tương ứng với 14,1% tổng giá trị TPDN lưu hành, thấp hơn con số 15,4% vào cuối năm ngoái. Các TPDN có vấn đề tập trung vào nhóm ngành năng lượng khi chiếm tới 50,5%, tiếp đến là bất động sản 33,1% và thương mại dịch vụ 20%, tính đến tháng 6/2024.

FiinGroup cho rằng, áp lực đáo hạn luôn là rủi ro hiện hữu đối với thị trường TPDN khi mà TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán trong quý IV/2024 và 2025 còn cao, trong đó, trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản có rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu cao hơn hẳn trung bình thị trường.

Còn theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MBS, trong tháng 8, giá trị TPDN được mua lại trước hạn ước tính khoảng 2.400 tỷ đồng, giảm 93% so với tháng trước đó. Trong đó, nhóm Ngân hàng chiếm 44%, còn nhóm Bất động sản chiếm 9%. Tính từ đầu năm, đã có hơn 110.300 tỷ đồng TPDN được mua lại trước hạn, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.

Một tín hiệu tích cực là từ đầu tháng 8 đến nay, chưa có thêm doanh nghiệp nào công bố chậm thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu. Tuy nhiên, tổng giá trị TPDN chậm thanh toán hiện nay ước tính khoảng 209.200 tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ trái phiếu toàn thị trường, trong đó bất động sản tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 68% giá trị chậm trả.

MBS dự báo, khoảng 49.400 tỷ đồng và 34.600 tỷ đồng TPDN sẽ lần lượt đáo hạn trong quý III và quý IV năm nay, thấp hơn so với mức đỉnh 69.100 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam cảnh báo rằng trong tháng 8, khoảng 7.300 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn, chủ yếu là từ ngành Bất động sản.

Dự báo trong vòng 12 tháng tới, khoảng 52.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không thể thanh toán đúng hạn, trong đó 90% đã từng chậm trả ít nhất một lần. Điều này gây lo ngại cho các nhà đầu tư, bởi nếu doanh nghiệp không thể phục hồi sau giai đoạn gia hạn, số tiền của nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro.

Dự báo trong vòng 12 tháng tới, khoảng 52.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không thể thanh toán đúng hạn (Ảnh minh họa: KT)

Gỡ vướng pháp lý để giải quyết “điểm rơi” nợ trái phiếu

Liên quan đến vấn đề nợ quá hạn rất lớn trong năm 2024 - 2025, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings lưu ý, nguồn tiền lớn nhất không phải vay ngân hàng hay trái phiếu mà là tiền nhận từ khách hàng, điều này nói lên rằng việc hỗ trợ xung quanh cũng rất quan trọng, không nên chỉ tập trung vào giải cứu trái phiếu, biện pháp xung quanh quan trọng hơn nhiều, đó là "sạch" pháp lý.

“Cách chúng ta có thể làm là liên quan đến đề án của Chính phủ về tháo gỡ pháp lý bất động sản, khi tháo gỡ được vấn đề này thì việc xử lý nợ quá hạn rất dễ”, ông Nguyễn Quang Thuân cho biết.

Liên quan đến vấn đề hành lang pháp lý, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (tháng 6 - 8/2023) từ sau khi có Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ.

Theo TS. Cấn Văn Lực, năm nay, thị trường trái phiếu có 213.000 tỷ đáo hạn, riêng bất động sản chiếm 37% khoảng 70.000 tỷ đồng. Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.

“Hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua, có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, đồng thời thông tin thêm, “thực tế, doanh nghiệp bất động sản không cần chiết khấu sản phẩm 40 - 50% như thời gian trước, chiết khấu khoảng 10% đã bán được”.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp bình thường phá sản đã khó thì doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì đống nợ trái phiếu còn đó, câu chuyện giải quyết ra sao.

“Tuy nhiên, Nghị định 08 đã hết hiệu lực thì thực hiện Nghị định 65 có cho phép đàm phán, giãn, hoãn nợ không? Đây là điều cơ quan quản lý cần làm rõ”, TS. Cấn Văn Lực đặt vấn đề.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào các nhà băng. Cấu trúc tổng tài sản ngân hàng hiện nay cũng rất chênh lệch, khuyến khích cho vay doanh nghiệp, không cho vay tiêu dùng, trong khi châu Âu, cho vay tiêu dùng là 60 - 70%/tổng tín dụng.

Trong khi đó, nhiều tổ chức phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu trong thời gian qua và liên tiếp xin được gia hạn nợ, giải pháp khắc phục cơ bản nhất là cho doanh nghiệp phá sản theo nguyên tắc "hỏng thì cắt bỏ".

"Trên thực tế, một số doanh nghiệp hiện nay tồn tại kiểu thoi thóp, nguy cơ vỡ nợ, không có khả năng trả nợ trái phiếu, giải pháp khả thi nhất với các trường hợp này là cho phép phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Diệp Diệp/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận