Ngày 4/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ công bố Sách Beige - tên chính thức là “Tóm tắt các bình luận về tình trạng kinh tế hiện tại”. Giới đầu tư, các nhà phân tích và thị trường luôn quan tâm đặc biệt tới tài liệu này, vì Sách Beige không chỉ có những số liệu khô khan về tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế mà cung cấp những thông tin đa chiều, những chỉ dấu mang tính vĩ mô hơn, bao quát hơn, đi kèm với những bình luận và phân tích chuyên sâu.
Sách Beige số tháng 9 của FED còn rất được chờ đợi bởi sẽ lý giải rõ ràng vấn đề đang có tranh luận trái chiều là khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, những thông tin trong bản báo cáo này còn là chỉ dấu đáng tin cậy cho những quyết sách và đường hướng trong thời gian sắp tới của FED, câu chuyện được quan tâm nhất lúc này là thời điểm FED tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Cho đến nay tranh cãi về việc nền kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Đa số các ý kiến vẫn nhận định kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái có thể là vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trong báo cáo hồi tháng 7 vừa qua, Sách Beige đánh giá tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong 6 tháng tới có xu hướng chậm lại do các yếu tố như bầu cử Tổng thống tháng 11, chính sách trong nước thay đổi, xung đột địa chính trị quốc tế lan rộng và lạm phát vẫn ở mức cao.
Xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm lại khi chỉ có 7/12 khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhẹ, giảm 3 khu vực so với báo cáo trước đó. Xu hướng này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần mất đi động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, dữ liệu về chi tiêu của người tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế Mỹ lại không thay đổi cho thấy chưa có nguy cơ xảy ra suy thoái như dự kiến trước đó.
Chính vì thế, Sách Beige được công bố hôm nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục xác nhận xu hướng nguy cơ nền kinh tế Mỹ đang tiến dần đến một cuộc suy thoái. Việc xác nhận xu hướng này cũng trùng với đánh giá của đa số giới chuyên gia kinh tế, và phù hợp với đánh giá từ các báo cáo trước đây của FED. Việc xác nhận xu hướng suy thoái cũng giúp cho FED có thêm cơ sở để thực hiện hạ lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 9 tới.
Quyết định về lãi suất của FED không chỉ phụ thuộc vào các con số trong Sách Beige, mà còn phụ thuộc vào một số chỉ báo khác, đặc biệt là số liệu lạm phát và tình trạng việc làm. Số liệu lạm phát theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 7 chỉ tăng 0,2% và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng cũng tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số này đều khớp với dự báo và gần với mục tiêu của giới chức Cục Dữ trữ liên bang Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân được xem là thước đo lạm phát ưa thích, và các con số tích cực nói trên đang nâng cao khả năng Mỹ sẽ hạ suất trong tháng này.
Biến số còn lại sẽ là số liệu về thực trạng việc làm trong tháng 8, dự kiến được công bố cuối tuần này. Hiện việc làm đang trở thành tâm điểm và là chỉ dấu cho thấy nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Kể từ đầu năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ có xu hướng tăng dần, từ mức 3,5% trong tháng 1 lên 4,3% vào tháng 7 vừa qua. Điều này có nghĩa là các DN đang giảm tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên, tín hiệu cho thấy nguy cơ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vấn đề được quan tâm nhiều hơn của giới kinh doanh có lẽ không phải là việc có hạ lãi suất hay không, mà là mức độ hạ lãi suất là bao nhiêu và đợt hạ lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra khi nào. Chính vì thế, biến số về thị trường lao động có lẽ tác động nhiều hơn đến mức độ và tần suất cắt giảm của FED hơn là quyết định có hay không hạ lãi suất.
Thông tin trong Sách Beige được sử dụng để đánh giá tình hình kinh tế trong từng giai đoạn báo cáo tại 12 khu vực trực thuộc FED. Việc so sánh các điều kiện kinh tế ở các khu vực khác nhau có thể giúp đánh giá triển vọng của nền kinh tế quốc gia nói chung. Được công bố khoảng 2 tuần trước các kỳ họp Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, nên Sách Beige được giới chuyên gia và thị trường coi là một trong những chỉ dấu chính sách tiền tệ trong tương lai hàng đầu của Mỹ. Chính vì thế, các thông tin trong Sách Beige, là tập hợp toàn bộ số liệu kinh tế, đi kèm phân tích, nhận định của giới chuyên gia, có thể được cử tri quan tâm và chỉ ảnh hưởng phần nhỏ đến tâm lý của cử tri Mỹ nói chung.
Một trong những yếu tố tác động nhiều nhất đến tâm lý cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử tháng 11 tới là kinh tế, trong đó mức độ lạm phát, tình trạng việc làm và quyết định về lãi suất của FED là những vấn đề nổi bật nhất. Bất kỳ động thái nào của FED đều sẽ bị cả đảng Dân chủ và Cộng hòa coi là ý đồ chính trị.
Cho đến thời điểm hiện nay, theo các cuộc thăm dò dư luận tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với chính sách kinh tế của hai ứng cử viên Tổng thống đang dần cân bằng, tỷ lệ ủng hộ ông Trump không tăng trong khi tỷ lệ ủng hộ bà Harris tăng lên đáng kể. Trong thời điểm hiện nay, bất cử thông tin tích cực nào về kinh tế ví dụ như thông tin trong Sách Beige sẽ đều là yếu tố ủng hộ cho bà Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong 2 tháng tới.
Trước giờ FED chính thức công bố Sách Beige, giới phân tích cho rằng những dữ liệu kinh tế đến thời điểm hiện tại, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP 3% của quý II sẽ không ủng hộ kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2024. Tuy nhiên, năm 2025 sẽ là một ẩn số dựa trên quy tắc về hệ quả của giai đoạn lạm phát kéo dài hơn 1 năm. Đó cũng là thời điểm cử tri Mỹ chờ đợi những quyết sách của chủ nhân Nhà Trắng mới sau cuộc bầu cử Tổng thống.
Vũ Hợp/VOV-Washington