Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên lập sàn giao dịch xăng dầu. Khi đó sẽ làm cho thị trường này hoạt động công khai, minh bạch, tạo cơ hội đầu tư, quản lý rủi ro trên sàn, thúc đẩy cạnh tranh, giảm giá thành và có lợi cho người tiêu dùng.
Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, thường xuyên biến động, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chính trị thế giới biến động, chiến tranh, thiên tai… Để điều tiết thị trường xăng dầu, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu, với 3 công cụ gồm giá cơ sở, điều chỉnh thuế (giảm thuế khi cần thiết) và sử dụng quỹ bình ổn.
Việc điều hành này đã mang lại kết quả khá tích cực. Song có một thực tế vẫn còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá, nhưng giá vẫn phải theo thế giới; bởi nhập vào cao thì phải điều hành giá cao và khi thị trường xuống thấp mới hạ giá được. Việc Nhà nước kiểm soát, ấn định về giá cho các DN kinh doanh xăng dầu, sẽ dẫn đến có những việc không đảm bảo được lợi ích về lợi nhuận, do hoạt động kinh doanh của DN đã tính toán sẽ có những hệ luỵ xảy ra…
Trước các bất cập của thị trường xăng dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng nên lập sàn giao dịch xăng dầu. Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc lập được sàn giao dịch xăng dầu sẽ rất tốt và cần thiết để tạo công khai, minh bạch và tạo cơ hội đầu tư, quản lý rủi ro trên sàn, thúc đẩy cạnh tranh, giảm giá thành và có lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời cho rằng, để có thể xây dựng được Sàn giao dịch xăng dầu cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh cũng như phương thức vận hành, vì mặt hàng này có những đặc điểm riêng rất nhạy cảm.
“Đối với Việt Nam, nếu giao dịch xăng dầu trên Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu hoạt động công khai, minh bạch, cùng với đó sẽ giảm độc quyền. Hiện nay, có 39 DN kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Phần lớn các DN này đều có vốn của Nhà nước, cho nên khi có Sàn giao dịch, thị phần sẽ được chia lại, các khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế”, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, giao dịch về xăng dầu thông qua sàn hiện rất phổ biến trên thế giới. Vì thế việc lập sàn giao dịch ở Việt Nam về xăng dầu cũng không có gì phải băn khoăn; có sàn giao dịch nhưng gắn liền với đó là phải cho phép được giao dịch mua bán tự do.
“Để sàn giao dịch này có thành công hay không, lại phụ thuộc vào chuyện có cho phép các nhà phân phối này được mua bán tự do hay không. Nếu chúng ta định ấn định DN này chỉ được mua của DN kia, hay DN không được bán cho nhau… sàn lập ra sẽ vô nghĩa. Sàn phải để tất cả mọi người tham gia vào, phải minh bạch tức là hoàn hảo, trăm người bán vạn người mua. DN muốn mua của ai cũng được, muốn bán cho ai cũng được, muốn mua bao nhiêu cũng được, khi đó sàn mới có ý nghĩa”, ông Cường nêu quan điểm.
Nguyễn Hằng/VOV1