Sửa Luật để tạo đà cho quảng cáo phát triển

  • 06/09/2024 22:49:09
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có đóng góp vào sự phát triển chung của nền công nghiệp văn hóa, ngành quảng cáo cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

 

Quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm được Chính phủ xác định trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoạt động quảng cáo đạt được nhiều thành tựu quan trọng, gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa thể thao du lịch (Bộ VHTTDL), năm 2013, cả nước có trên 5.500 doanh nghiệp quảng cáo. Đến năm 2019 con số này tăng lên 13.000. Hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, các phương thức quảng cáo được thực hiện trên nhiều kênh truyền thông đại chúng. Với tốc độ tăng trưởng 30-35%/năm, tiềm năng nghề quảng cáo được đánh giá triển vọng với các bạn trẻ kịp nắm bắt xu thế hiện đại.

Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế. Nhưng qua 10 năm thực thi Luật Quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; Một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp.

Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, hoạt động quảng cáo Việt Nam từ trước đến nay bị chi phối, ràng buộc bởi những yếu tố đặc thù về văn hóa, con người, các mối quan hệ xã hội, kinh tế… nên đứng trước rất nhiều thách thức về cơ sở pháp lý; các bộ luật, nghị định, văn bản pháp luật… còn chưa có sự đồng nhất. Các khía cạnh quảng cáo liên quan đến nhiều bộ ngành cần sự phối hợp đồng bộ những chưa thực sự được như mong muốn. Việc nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu còn yếu, khó có căn cứ hoạch định kế hoạch phát triển cho mỗi giai đoạn.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, một trong những giải pháp phát triển của ngành quảng cáo đó là trở thành một "mắt xích" quan trọng, bộ phận cấu thành của ngành Công nghiệp văn hóa của Việt Nam đó là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo: Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan.

Năm 2024, Bộ VHTTDL tiếp tục xác định công tác hoàn thiện thể chế là khâu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Một trong hai bộ Luật quan trọng mà Bộ được giao soạn thảo để sớm trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách: Quy định về nội dung và hình thức quảng cáo; Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; Quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận