Lo ngại ảnh hưởng của siêu bão số 3 (tên quốc gế Yagi), nhiều người dân ở Hà Nội và khu vực phía Bắc đã đổ xô đến chợ và siêu thị mua rau xanh, củ quả, thịt, cá để tích trữ. Điều này đã khiến giá rau xanh và thực phẩm tăng chóng mặt.
Sáng 6/9, người dân Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc ồ ạt đổ ra các chợ, siêu thị để mua hàng tích trữ trước khi thông tin siêu bão số 3 (bão Yagi) đang đổ bộ với cường độ rất mạnh.
Chị Hải, người dân ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) cho biết, khoảng 9h sáng chị ra chợ dân sinh ở phố Nguyễn Công Trứ để mua thực phẩm như thông thường mà rất ngạc nhiên khi các quầy thịt ở đây đều hết sạch.
“Do lo ngại ảnh hưởng của bão số 3 khiến người dân hạn chế ra đường nên người dân đều dự trữ thực phẩm cho vài ngày. Vì thế, các quầy thịt lợn, thịt bò ở chợ đều hết hàng sớm hơn thường lệ dù giá cao hơn mọi ngày. Có người còn khuân đến cả 1/4 con lợn về nhà dự trữ ăn dần. Tiểu thương thì đua nhau “hét giá” mà ai cũng phải mua vì sợ hết hàng”, chị Hải chia sẻ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ đêm nay (6/9) và gần sáng ngày 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9).
Chị Hoa, chủ một cửa hàng thực phẩm ở chợ Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: “Tôi vừa mở bán đã hết sạch, giá thịt tăng mấy chục nghìn đồng/kg mà không có hàng để bán vì sức mua rất lớn”.
Song, theo chị Hoa, sức mua cũng sẽ giảm dần trong vài ngày tới. “Bão số 3 lần này được dự báo là sẽ ảnh hưởng lớn nên người dân lo lắng mua đồ ăn dự trữ. Nhưng bão cũng sẽ mau qua đi và giá cả thực phẩm sẽ mau chóng trở lại bình thường”, chị Hoa nói.
Chị Vân Anh ở Times City (Hà Nội) chia sẻ: “Sáng mở mắt đi chợ định kho nồi cá để ăn trong những ngày bão gió mà không mua được cá. Tôi bất ngờ vì cảnh đi chợ thời dịch Covid lại lặp lại: đông nghịt, tắc đường, chen chúc xô đẩy, tranh nhau mua thực phẩm. Mới đầu giờ sáng mà các phản thịt lợn đã trắng trơn, còn lại toàn miếng không ngon; rau cỏ thì cũng cháy hàng, tăng giá bất ngờ".
Chủ một gian hàng bán thực phẩm online trong khu đô thị Times City cũng đăng thông tin đã bán hết sạch thịt và rau củ, phải nhập thêm chuyến nữa mà muộn mới có hàng.
Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VOV, tại một số tỉnh, thành phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, tình trạng mua gom hàng cũng diễn ra, nhưng không quá tích trữ như ở Thủ đô Hà Nội.
Anh Nam - một tiểu thương bán thực phẩm tại Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, dù đã dự tính lượng người đến mua hàng sẽ đông hơn do siêu bão sắp đổ bộ, nhưng anh vẫn bất ngờ khi hôm nay vừa mở hàng mấy tiếng đồng hồ mà hàng đã bán gần hết.
"Người dân mua nhiều hơn bình thường, giá cũng tăng hơn mọi ngày một chút nhưng không đến nỗi “sốt” giá. Chỉ vài hôm nữa khi bão tan thì mọi hoạt động mua bán lại chững ngay thôi, sức mua chỉ tăng đột biến cục bộ nên mọi người không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm”, anh Nam nói.
Ngoài việc mua sắm tại các chợ dân sinh, người dân cũng đổ dồn vào siêu thị khiến người mua đông nghịt, cảnh xếp hàng chờ thanh toán lại diễn ra như hồi dịch Covid-19.
Trong ngày 5-6/9, các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON khu vực phía Bắc ghi nhận sức mua của khách hàng tăng mạnh so với ngày thường. Khách hàng tập trung mua chủ yếu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, cá thịt, mì tôm, gạo… Đặc biệt, đối với siêu thị AEON Hải Phòng, do vị trí gần biển dự kiến chịu ảnh hưởng nhiều từ cơn bão số 3 - Yagi nên sức mua tăng hơn nhiều so với ngày thường.
Tại hệ thống Co.op Mart cũng ghi nhận sức mua cao hơn khoảng 30% so với ngày thường. Đại diện chuỗi siêu thị cho biết cách đây 2 ngày, khi tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết, hệ thống Co.op Mart đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường. Các mặt hàng được tăng cường dự trự bao gồm rau xanh, củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt...
Còn tại siêu thị Big C Trần Duy Hưng (Hà Nội), khách mua hàng cũng đông hơn mọi ngày. Cả siêu thị có hơn 50 điểm thanh toán với các dòng người đứng chờ. Nhân viên siêu thị làm việc hết năng suất, liên tục bổ sung hàng vào các khu trống. Các khu vực thực phẩm tươi sống, rau xanh, đồ khô... đông khách hơn cả.
Trần Ngọc/VOV.VN