Ngành công nghệ thông tin chuyển mình
Những năm 1980, kinh tế Việt Nam liên tục suy giảm với mức tăng trưởng âm. GDP năm 1979 giảm 2%, năm 1980 giảm 1,4%, GDP bình quân đầu người 86 USD, nằm trong những nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới, lạm phát phi mã và kéo dài. Toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước đổi mới, chuyển mình để phát triển. Trong xu thế đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ.
Đứng trước sứ mệnh chung của dân tộc, trong vai trò doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, năm 1998, FPT đã tổ chức hội nghị "Diên Hồng" tại Hải Phòng với mục tiêu nâng GDP lên 1 tầm cao mới. Vào thời điểm đó, chủ tịch Trương Gia Bình đã quyết định, FPT chỉ có con đường duy nhất để phát triển là xuất khẩu phần mềm.
Nhớ lại thời kỳ đó, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói, “đây là một giai đoạn không tưởng, không ai nghĩ Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho thế giới, họ nghĩ rằng tôi quá ngông cuồng. Cứ đi là có đường. FPT đã cùng các doanh nghiệp CNTT khác tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu. Giờ đây, Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư CNTT, một nửa trong số đó là lập trình viên. Nếu có thể tập trung nguồn lực này cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung ứng cho toàn thế giới”.
Đây là một bước đi táo bạo có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của FPT và là bước ngoặt cho Việt Nam vào thời điểm đó.
Theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam nhập hơn 6 tỉ USD tiền chip bán dẫn mỗi năm. Vì thế phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn được xem là lĩnh vực then chốt, có thế mạnh và mang lại giá trị cao mà Việt Nam đang hướng đến. Với những lợi thế này, Việt Nam có dư địa và cơ hội khai thác tiềm năng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Nắm bắt được xu hướng trên, FPT đã đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất chip, đến tháng 9/2022, FPT đã cho ra đời dòng chip đầu tiên và có hợp đồng 25 triệu chip bán cho khách hàng Úc. Hiện FPT đang là công ty Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực thiết kế chip với đơn hàng 70 triệu chip từ khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cho các thiết bị y tế và ứng dụng vi điện tử.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình:
"Việt Nam không thể bỏ lỡ làn sóng bán dẫn vì "thế giới đang chọn chúng ta làm chip". Trong mục tiêu chung đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn của Chính phủ, FPT cam kết đào tạo 10.000 nhân sự".
|
Những thành công này đã khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế ra dòng chip nguồn có giá cạnh tranh so với những hãng lớn trên thế giới. Việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài đã đưa FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm. Ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
“Chợ chip” với nhiều sự lựa chọn
Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, năm 2023, Viettel High Tech đã nghiên cứu chế tạo thành công chip 5G DFE đầu tiên “Made in Vietnam” và sẵn sàng cho sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp tiếp theo. Sản phẩm chip đầu tiên này do kỹ sư của công ty làm chủ hoàn toàn thiết kế, được tích hợp công nghệ AI và có năng lực xử lý 1.000 tỷ phép tính mỗi giây. Chip 5G do Viettel làm chủ thiết kế hoàn toàn có mức độ phức tạp cao (hàng trăm triệu transistor) và được công nhận bởi các đối tác hàng đầu thế giới như Synopsys.
Nghiên cứu và phát triển thành công chip 5G đưa Viettel tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, làm chủ công nghệ, tự chủ về nguồn cung chip, tạo ra lợi thế cạnh tranh về lâu dài. Với sự thành công của những dòng chip cao cấp này, Viettel tự tin làm chủ thiết kế hệ sinh thái chip đa dạng và tiên tiến (AI, 5G, IoT, 6G…) cho Việt Nam và quốc tế. Đây là bước tiến quan trọng cho ngành vi mạch của Việt Nam, cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Hiện, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu... đến đầu tư. Năm 2023, các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn... xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam.
5 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: 1. Phát triển chip chuyên dụng; 2. Phát triển Công nghiệp điện tử; 3. Phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn; 4. Thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn; 5. Một số nhiệm vụ và giải pháp khác. |
Với những đóng góp của mình, FPT, Viettel đã đưa Việt Nam trở thành top nước xuất khẩu chip sang Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Lượng chip sản xuất từ Việt Nam chiếm hơn 10% chip bán dẫn xuất khẩu vào Mỹ, với doanh số tăng gần 75%. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng điện tử của thế giới. Với thế mạnh sẵn có này, Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới.
Tuy nhiên, để tận dụng được dư địa đó và hiện thực hóa giấc mơ chip bán dẫn “Make in Vietnam” đòi hỏi phải có những hướng đi phù hợp, và ban hành các chính sách ưu đãi cho hoạt động này phát triển.
Để nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ chip thế giới, Chủ tịch FPT Semiconductor Trần Đăng Hòa cho rằng: “Thứ chúng ta cần không phải là 1 - 2 công ty, 1 - 2 người mà là cả một ngành công nghiệp với hàng trăm công ty. Phải biến Việt Nam thành một “cái chợ” với rất nhiều sự lựa chọn. Nếu nhà đầu tư không thích công ty này họ có thể tìm ngay tới một công ty khác”.
Trở thành trung tâm chip bán dẫn
Nói về chiến lược bán dẫn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Cốt lõi của chiến lược bán dẫn là thiết kế, chế tạo ra chip bán dẫn; Đồng thời xây dựng Việt Nam thành hub (trung tâm) nhân lực toàn cầu về công nghệ bán dẫn. Chip bán dẫn là một thành phần đầu vào quan trọng của thiết bị điện tử. Các nước đã “hoá rồng, hoá hổ” chưa có nước nào không có ngành công nghiệp điện tử phát triển. Công nghiệp điện tử đang có làn sóng mới là trí tuệ nhân tạo (AI). Các thiết bị điện tử thế hệ mới cần được AI hoá. Các con chip AI sẽ là linh hồn của các thiết bị điện tử thế hệ mới. Đưa chip bán dẫn vào các thiết bị điện tử tiêu dùng cuối thế kỷ 20 đã tạo ra Nhật Bản “hoá rồng”, vậy đưa chip AI vào các thiết bị điện tử sẽ tạo ra quốc gia nào hoá rồng? Việt Nam sẽ là số 1 nếu chúng ta lựa chọn con đường này. Lúc này chính là cơ hội cho Việt Nam phát triển lại ngành công nghiệp điện tử.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2040 - 2050 (giai đoạn 3): trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm.
Thế giới đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghệ mới và Việt Nam đang ở vị thế lý tưởng để vươn lên dẫn đầu trong kỷ nguyên mới này. Chuyển mình mạnh mẽ và bước tới tương lai thông qua công nghiệp bán dẫn là sứ mệnh của Việt Nam hôm nay.