Ngân hàng 'bơm' 405.000 tỷ cho vay lãi suất thấp sau bão số 3: Có dễ tiếp cận?

  • 26/09/2024 02:00:00
  • VTC.News.vn
  • Kinh tế
  • 0

Theo NHNN, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký cho vay lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 vừa qua.

 

Ngân hàng tích cực bơm tiền...

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại, toàn ngành ngân hàng có khoảng 83.400 khách chịu thiệt hại do bão số 3 với 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng. Dự kiến, con số này sẽ còn tăng do các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh đang tiếp tục thống kê, cập nhật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2% để cấp cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão.

Lãnh đạo Agribank thông tin, sẽ căn cứ mức độ thiệt hại của khách bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất 0,5 - 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so đối với khoản phát sinh từ ngày 6/9 đến ngày 31/12.

Ngân hàng Vietcombank cũng giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ 6/9 đến 31/12 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và gần 20.000 người.

BIDV thì dự kiến tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng. Cụ thể: 40.000 tỷ đồng cho các khoản vay hiện hữu và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng cho các khoản vay mới. Mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/9 đến hết ngày 31/12.

Các ngân hàng tư nhân như ACB, VPBank, TPBank, HDBank...cũng đưa ra các gói hỗ trợ tương tự, với mức giảm lãi suất hấp dẫn và thời gian ưu đãi dài hạn. Ví dụ HDBank dự kiến dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn thông thường 1-2%. Ngân hàng cũng sẽ giảm 1% lãi suất của các khoản vay hiện hữu phục vụ sản xuất kinh doanh. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, lãi suất sẽ được giảm 2% trong 3 tháng đầu tiên so với lãi suất hiện hành, hoặc 0% cho tháng đầu tiên.

Trang trại gà của một gia đình tan hoang sau cơn bão số 3.

...người dân vẫn lo khó vay

Dù ngân hàng hứa hẹn sẽ tích cực giải ngân để hỗ trợ khách hàng phục hồi sau bão lũ nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn lo ngại sẽ khó tiếp cận chính sách ưu đãi này.

Sau siêu bão Yagi, ông Hoàng Ngọc Đoàn (SN 1968, trú tại Tàm Xá, Đông Anh, Hà Nội) thiệt hại hơn chục tỷ đồng khi nước lũ đã nhấn chìm toàn bộ trại gà rộng gần 10.000 m2 của gia đình ông. Vừa mất thu nhập, ông Đoàn vừa phải lo những khoản vay ngân hàng trước đó sắp đến hạn phải trả và lo thêm việc khó tiếp cận khoản vay mới để có vốn khôi phục hoạt động kinh doanh.

Biết được chính sách hỗ trợ của ngân hàng nên ngay sau khi nước lũ rút, ông Đoàn đã chủ động thống kê mọi thiệt hại để đến ngân hàng làm hồ sơ, mong vay được tiền với lãi suất thấp và xin giãn, hoãn nợ. Nhưng ông nhận được câu trả lời là “chưa có hướng dẫn cụ thể, phải chờ thêm".

"Tôi đã đi đến chi nhánh của 2, 3 ngân hàng, các nhân viên đều cho biết tuy đã có chính sách từ trên nhưng họ chưa nhận được bất kỳ thông tư, hướng dẫn cụ thể nào liên quan đến việc này nên chưa thể triển khai cho vay", ông Đoàn nói.

Ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam (có trụ sở tại huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng chưa thể tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Ông thẳng thắn nhận xét: “Các gói cho vay ưu đãi chưa bao giờ là dễ dàng đối với các doanh nghiệp F&B nhỏ và vừa như chúng tôi. Gần 15 năm kinh doanh nhưng chưa một lần nào doanh nghiệp của tôi được hỗ trợ bởi những gói này”.

Ông Mạnh dẫn chứng, giai đoạn sau COVID-19, ông đã tìm cách tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhưng đã thất bại ngay từ những bước làm hồ sơ, giấy tờ. “Chủ trương thì có, gói ưu đãi cũng có nhưng điều kiện cho vay rất ngặt nghèo, nhất là ở khâu giấy tờ. Chỉ tính việc lo đủ giấy tờ thôi đã ngốn quá nhiều thời gian, công sức. Vì thế nhiều doanh nghiệp nhanh chóng bỏ cuộc.

Rồi ngay cả khi đã có đủ giấy tờ thì vẫn phải đợi chờ xem có được duyệt không. Ngoài ra, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất cao hơn so với chính sách. Nói tóm lại, những doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó vay ưu đãi”, ông Mạnh nói.

Đợt gặp khó khăn do bão lũ lần này, xưởng rang xay cà phê của ông Mạnh ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) bị ngập, bùn đất nhấn chìm máy móc dẫn đến hỏng hóc. Vùng nguyên liệu liên kết ở Hưng Yên, Ba Vì… cũng trôi hết sản phẩm. Ông Mạnh tâm sự cũng muốn được vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng xác định không có nhiều hy vọng.

Còn bà Nguyễn Hoa, nông dân nuôi cá lồng ở phường Nam Đồng (TP Hải Dương) lo lắng: "Tôi mất trắng hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ lồng cá đều bị nước lũ cuốn trôi. Nếu điều kiện để được vay ưu đãi là tài sản thế chấp thì tôi chắc chắn không thể đáp ứng".

Đừng để người dân nói 'lên tivi vay lãi suất thấp'

Trước những mối lo lắng, e ngại của người dân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Trong khó khăn này, ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm chứ đừng để người dân nói lên tivi vay lãi suất thấp.

Các ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, đặc biệt người dân khó khăn hiện tại chứ không phải để khách hàng đến đề nghị. Tất nhiên các ngân hàng phải đảm bảo điều kiện, an toàn nhưng nếu cứ quá chặt chẽ như cần tài sản đảm bảo với người dân đang mất trắng là không thực hiện được".

Còn theo nhiều chuyên gia, vấn đề cần quan tâm lúc này là hỗ trợ thế nào, thứ hạng ưu tiên ra sao và thủ tục rút gọn để nguồn vốn đến tay doanh nghiệp kịp thời. Trong đợt bão lũ, những tổn thương của lĩnh vực nông nghiệp cần được ưu tiên hỗ trợ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khoảng 190.358 ha lúa và 48.720 ha hoa màu bị ngập úng; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hỏng, cuốn trôi. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho nông, ngư dân ở các vùng nơi cơn bão đi qua.

VCCI thì khuyến nghị tăng tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản, miễn tiền thuê mặt nước, phí ra vào cảng biển, sử dụng vị trí neo đậu... đến 1 năm. Hoặc Nhà nước hỗ trợ 50-70% phí mua bảo hiểm cho các tàu cá, du lịch đến hết 2025.

Đặc biệt có ý kiến cho rằng các tổ chức tài chính cần có các gói cho vay lãi suất 0%. Vì để phục hồi kinh doanh, ai cũng nghĩ tới nguồn vốn, đây là yếu tố sống còn, ảnh hưởng trực tiếp tới việc tái thiết sau thiên tai.

CÔNG HIẾU/vtcnews.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận