Tại buổi đối thoại, nông dân tỉnh Quảng Bình nêu nhiều vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản, sạt lở bờ sông, bờ biển, thiếu đất sản xuất.
Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều hộ dân sống gần rừng nhưng lại không được hưởng lợi từ rừng. Do không có đất sản xuất, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong sản xuất, nông dân cho rằng, nhiều trang trại hiện tại chỉ được thuê đất 5 năm, thời hạn như vậy là quá ngắn nên nông dân chưa yên tâm đầu tư sản xuất; việc dồn điền từ năm 2015 nhưng đến nay nhiều người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Người dân khu vực ven sông Long Đại, huyện Quảng Ninh cho biết, mỗi mùa mưa lũ về, bờ sông bị xói lở nghiêm trọng làm mất nhiều diện tích đất sản xuất, kiến nghị tỉnh lãnh đạo tỉnh đầu tư kè chống sạt lở. Về nguồn vốn sản xuất, người dân rất khó tiếp cận, thủ tục cho vay phức tạp hoặc nguồn vốn rất ít.
Còn ngư dân thành phố Đồng Hới, Quảng Trạch cũng tiếp tục kiến nghị việc các tàu cá ra vào cửa biển Nhật Lệ, Roòn hết sức khó khăn vì cửa biển quá cạn, dẫn đến nhiều tai nạn dẫn đến chìm tàu. Mặt khác, các tàu cá không thể cập cảng để bán mà phải hợp đồng thêm thuyền nhỏ để trung chuyển hàng, làm tăng chi phí trong khai thác hải sản. Bên cạnh đó, nhiều luồng lạch, cửa sông thường xuyên bị cạn, cát vùi lấp, làm mất dòng chảy, không những tàu thuyền không thể vào ra đánh bắt khai thác thủy sản mà dòng nước không lưu thông cũng gây khó khăn trong việc nuôi trồng thủy sản.
Ông Đào Xuân Vinh, nông dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới nêu vấn đề: “Đối với xã Bảo Ninh chúng tôi về khai thác thủy hải sản, bà con đã đề xuất nhiều ý kiến về việc nạo vét cửa biển Nhật Lệ. Thời gian gần đây cửa biển này rất cạn. Những ý kiến của bà con đã được Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý và bà con hy vọng sắp tới có giải pháp để nạo vét, khơi thông cửa lệch để tàu thuyền ra vào an toàn”.
Trả lời những kiến nghị của nông dân trong tỉnh, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, các ý kiến của nông dân đều phản ánh những vướng mắc, điểm nghẽn liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp như: Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, đất đai, nguồn vốn tín dụng, chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng sản phẩm nông sản mang thương hiệu.
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 đã xác định nông nghiệp là một trong 4 trụ cột chính của Quảng Bình. Tỉnh tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng.
Những kiến nghị trong buổi đối thoại này, ông Trần Thắng hứa với bà con sẽ trả lời thấu đáo, giải quyết dứt điểm những vấn đề trong thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu sở, ngành, địa phương thường xuyên đến cơ sở, nắm bắt những kiến nghị của bà con, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
“Tôi đề nghị các cấp hội nông dân, không chỉ chờ đến diễn đàn đối thoại với UBND tỉnh, với Chủ tịch UBND tỉnh thì mới có kiến nghị, mà đây là việc làm thường xuyên của các cấp hội nông dân với UBND các cấp. Thông qua sinh hoạt, tổ chức hội để tổng hợp, tập hợp ý kiến, kiến nghị của các cấp hội nông dân, của hội viên nông dân, của các hợp tác xã, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để kiến nghị đề xuất với các cấp”, ông Trần Thắng nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN