Kinh tế Nhật Bản đã có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau giai đoạn suy thoái, nhưng bên cạnh những “gam màu sáng”, bức tranh kinh tế của “đất nước mặt trời mọc” cũng có những “mảng tối” đặt ra thách thức cho chính phủ của tân Thủ tướng Ishiba Shigeru.
Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khởi sắc của kinh tế Nhật Bản. Trong đó, ngoài việc GDP thực chất năm nay có thể lên tới 2,9%, còn một số “điểm sáng” khác cũng rất đáng chú ý, như thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của Nhật Bản tăng kỷ lục, du lịch phát triển ngoài dự kiến, thâm hụt thương mại chững lại, thanh khoản giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản và kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng dương, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể...
Đầu tiên là về thặng dư cán cân thanh toán quốc tế. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư này trong tháng 8 vừa qua đạt 3.803,6 tỷ Yen (tương đương khoảng 646.000 tỷ VND), trở thành kỷ lục mới trong suốt gần 40 năm qua. Tiếp theo, là du lịch với mức gần 3 triệu lượt khách nước ngoài đến Nhật Bản và gần 1,5 triệu người Nhật đi du lịch nước ngoài trong tháng 8 vừa qua, với thu nhập của ngành “công nghiệp không khói” này tăng lần lượt là 36% và 19,7% ở 2 nhóm trên.
Thanh khoản giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản và kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng dương, lần lượt ở các mức 1,6% và 6,2%. Thêm một điểm sáng nữa là thị trường chứng khoán. Sau khi chính phủ mới của Nhật Bản ra đời, thị trường chứng khoán của nước này từ chỗ “loạn động”, theo đúng thuật ngữ của giới phân tích chứng khoán sử dụng, nay đã ổn định và duy trì được đà đi lên. Chỉ số giá chứng khoán trung bình Nikkei đã có lúc vượt ngưỡng 39.000 Yen cao nhất trong suốt hơn 1 năm qua.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, kinh tế Nhật Bản vẫn tồn tại những “điểm tối”. Trong đó, vấn đề DN phá sản rất đáng lo ngại, nhưng không phải là duy nhất. Tỷ lệ DN phá sản tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Các công ty này đang phải gánh một số nợ khổng lồ lên tới gần 1.587 tỷ Yen (tương đương khoảng 269.000 tỷ VND). Đáng chú ý là, trong số các công ty bị phá sản có nhiều doanh nghiệp sở hữu thương hiệu uy tín ở tầm quốc tế và bề dầy lịch sử sản xuất - kinh doanh gần 100 năm, được coi là biểu tượng của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo phân tích của ông Inaba Ikune - Nhà nghiên cứu hoạt động kinh doanh rất nổi tiếng của Nhật Bản, có 10 nguyên nhân khiến DN phá sản trong giai đoạn hiện nay. Nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chính, như sự bảo thủ trong tư duy kinh doanh dẫn đến chậm thích nghi với biến động của thị trường, vật giá leo thang khiến giá thành sản xuất - kinh doanh bị đội lên vượt ngưỡng chịu đựng của DN. Nguyên nhân quan trọng hơn là do sự thiếu hụt nguồn nhân lực khiến giá nhân công tăng cao, trong khi chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng sản phẩm giảm sút.
Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là sự bấp bênh của giá trị đồng Yen đang ảnh hưởng đến kinh tế cả về vĩ mô lẫn vi mô. Cùng với đó, Nhật Ban đang tồn tại vòng luẩn quẩn giữa DN phá sản-tư duy kinh tế lỗi thời-vật giá leo thang-giá trị nội tệ bấp bênh-thiếu hụt nguồn nhân lực. Để thoát ra khỏi nó, cần nhiều thời gian, trí tuệ, công sức và tiền bạc.
Thủ tướng Ishiba mới nhậm chức về cơ bản vẫn kế thừa đường lối kinh tế của thủ tướng tiền nhiệm Kishida Fumio, nhưng có những phát triển để thích ứng với giai đoạn hiện tại, trong đó có một số trụ cột chính. Đơn cử như tăng thu nhập cho người dân, tập trung đầu tư phát triển các địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng nguyên tử....
Chính phủ Nhật Bản cam kết nỗ lực để đưa kinh tế Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát, thúc đẩy kiến tạo và phát triển mô hình kinh tế tăng trưởng mới. Đồng thời, hướng tới đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, sẽ có những biện pháp đặc biệt để kiềm chế vật giá đang leo thang nhanh chóng, theo hướng tăng thu nhập của người dân cao hơn mức độ tăng của giá cả.
Trong đó, trước mắt sẽ thực hiện lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1.050 Yen/giờ hiện nay lên 1.500 Yen và hướng tới 2.000 Yen, song song với việc cải cách chế độ bảo hiểm lương hưu. Có thể thấy, ông Ishiba lồng ghép cải thiện kinh tế với cải thiện an sinh xã hội, coi đây là “2 bánh xe song hành” và cũng là điểm mới so với trước đây. Trong thời gian quá độ để thực hiện mục tiêu này, hiện nay Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số biện pháp cụ thể, như trợ giá nhiên liên bao gồm xăng dầu, khí đốt cho người dân, miễn giảm nhiều loại thuế...
Với mong muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn, cũng như thúc đẩy đồng loạt hai bánh xe “kinh tế - an sinh xã hội”, chính phủ Nhật Bản bắt đầu triển khai các bước nhằm cải thiện chế độ lao động, như rút ngắn thời gian làm việc cho người lao động để phục vụ việc nuôi dạy trẻ em, áp dụng chế độ giãn cách thời gian làm việc để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Tạo môi trường lành mạnh, công bằng, thân thiện cho người lao động, bao gồm cả những người làm việc tự do, tăng cường đầu tư cho con người. Khuyến khích người dân nâng cao năng lực, khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy số hóa, xây dựng môi trường số, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), khởi tạo ngành công nghiệp bán dẫn... góp phần tạo đà cho kinh tế cất cánh…
Tuấn Nhật/VOV-Tokyo