Diễn đàn đa phương 2024 thúc đẩy 'Công nghệ phụng sự'

Diễn đàn đa phương 2024 với chủ đề 'Phát triển Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số' vừa được tổ chức tại Hà Nội.

 

Công nghệ số đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn về tính bao trùm và khả năng tiếp cận và trao quyền cho mọi người, đặc biệt là những nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

“Công nghệ phụng sự” vì một tương lai số toàn diện và bền vững của Việt Nam

“Một Việt Nam nơi người nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận có thể truy cập giá thị trường tốt nhất trên chiếc điện thoại thông minh của mình; nơi một học sinh dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn có thể tham gia các bài giảng trực tuyến hàng đầu thế giới; và nơi một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Đà Nẵng có thể sử dụng công nghệ AI mới nhất để tạo ra sản phẩm và phục vụ khách hàng trên toàn cầu.”

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã mở đầu bài tham luận của mình tại Diễn đàn đa phương 2024 vừa được tổ chức tại Hà Nội với một hình dung về tương lai số toàn diện và bền vững của Việt Nam như thế.

“Chúng ta đang trên đường đến đó, những vẫn còn một đoạn đường dài phải đi”. Như lời khẳng định của ông Patrick, đoạn đường dài đó chính là hành trình thu hẹp dần khoảng cách số giữa những nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là những nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Đây cũng chính là mục tiêu của Diễn đàn đa phương 2024 với chủ đề “Phát triển Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số” do Samsung Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 10 vừa qua.

Đánh giá cao chủ đề Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của Tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số: đến năm 2030, sẽ phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp trong xã hội, tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70% là một thách thức rất lớn; đặc biệt, đối với những nhóm dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo "thu hẹp khoảng cách số" cũng đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất mạnh. Những nhóm người dễ bị tổn thương đang đứng trước nguy cơ tụt hậu hơn về kỹ năng số trong đời sống và công việc.

Ông Phương tin tưởng Diễn đàn Đa phương 2024 sẽ góp phần mang đến một cái nhìn toàn diện về bao trùm số. Thông qua Diễn đàn MSF 2024, các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm động lực cùng nhau hợp tác để xây dựng một tương lai số bao trùm, hướng tới hỗ trợ những người yếu thế và dễ bị tụt hậu về kỹ năng số trong xã hội.

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho rằng, Việt Nam, với một tầm nhìn năng động và sáng tạo, đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội để trở thành một quốc gia số hàng đầu. "Chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam tập trung vào ba trụ cột chính là kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số, hứa hẹn sẽ thay đổi nhiều khía cạnh của quốc gia", ông Choi Joo Ho nói.

Chuyển đổi số chỉ thực sự mang lại tiến bộ cho xã hội khi mọi người, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương, có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến.

Bao trùm số là nền tảng để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, công bằng và bền vững và Samsung luôn ủng hộ những nỗ lực để hiện thực hóa tầm nhìn này, ông Choi Joo Ho khẳng định. "Tôi tin rằng, giá trị đích thực của công nghệ nằm ở khả năng trao quyền, truyền cảm hứng, kết nối con người và hiện thực hóa ước mơ của tất cả mọi người, không phân biệt xuất thân hay vị trí địa lý".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Nhiều ý tưởng và giải pháp hướng tới “Công nghệ phụng sự”

Như những chia sẻ của Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, thực tế, con người và công nghệ là hai yếu tố không thể tách rời nhau, mang tính tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau. Con người là nguồn gốc của sáng tạo, là nơi công nghệ bắt đầu. Ở chiều ngược lại, công nghệ cần có sứ mệnh phụng sự, giúp khai mở tiềm năng của con người, thu hẹp khoảng cách, và từ đó thúc đẩy một xã hôi số bao trùm và bền vững.

Tại Diễn đàn đa phương, một phiên tọa đàm cấp cao đã diễn ra với sự tham gia của các diễn giả khách mời đại diện cho tiếng nói của cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, giới học thuật và các tổ chức xã hội đã đưa ra những giải pháp gợi mở để nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức trong việc xây dựng một xã hội số bao trùm tại Việt Nam. Qua đó, những vấn đề quan trọng cần nhận diện và giải quyết đã được nêu ra xoay quanh việc thúc đẩy “Công nghệ phụng sự” và “Những con người được trao quyền qua công nghệ”.

Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia cấp cao, Trưởng nhóm Phát triển số, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ 3 khuyến nghị mà Việt Nam có thể làm để hướng tới một xã hội số bao trùm. Thứ nhất là tăng cường độ bao phủ của hạ tầng, đồng thời tăng độ tiếp cận của nhóm yếu thế thông qua việc tính toán chi phí hợp lý. Thứ hai là xây dựng chính sách chung cho tất cả các đối tượng đều có thể tiếp cận được, đặc biệt các chính sách phải đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của các đối tượng yếu thế khác nhau. Thứ ba, để tăng sự hòa nhập, tăng sự tham gia của các nhóm yếu thế vào trong lộ trình chuyển đổi số thì cần phải có các chương trình triển khai cụ thể đối với từng nhóm yếu thế khác nhau.

CTV An An/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận