Cần đặt 'niềm tin', 'giao trọng trách'

  • 09/05/2019 03:12:25
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Để kinh tế tư nhân cất cánh, cần đặt niềm tin vào họ. Bởi phải có 'niềm tin' thì mới 'dám trao gửi' hay giao trọng trách cho doanh nghiệp tư nhân.

 

Dấu ấn từ các doanh nghiệp tư nhân

Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực hàng không với giấy phép số 01. Vietjet đã mở đầu cho làn sóng tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Việc Vietjet tham gia vào lĩnh vực hàng không đã tạo nên “cuộc cách mạng” đối với ngành hàng không Việt Nam, khi mà trước đó, hàng không tưởng như chỉ dành cho “giới quý tộc”. Với sự tham gia của Vietjet đã có hàng triệu người dân lần đầu tiên được đi máy bay, biết đến máy bay. Kể từ chuyến bay đầu tiên tháng 12/2011, Vietjet đã không ngừng lớn mạnh và trở thành hãng hàng không dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.

Theo đại diện Vietjet, đến hết năm 2018, Vietjet sở hữu đội tàu có tuổi đời bình quân trẻ hàng đầu thế giới chỉ 2,82 năm, khai thác 105 đường bay với 66 đường bay quốc tế. Năm 2018, Vietjet đã chuyên chở hơn 23 triệu lượt khách với 118.923 chuyến bay. Trong đó có 66 đường bay quốc tế tới các nước Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia… Tổng doanh thu 2018 đạt 52.135 tỷ đồng, công ty tiếp tục thuộc nhóm 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước với số tiền thuế, phí thu nộp ngân sách lên tới 6.193 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động.

Với mong muốn đem đến cho thị trường những sản phẩm - dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế và những trải nghiệm hoàn toàn mới về phong cách sống hiện đại, Tập đoàn kinh tế tư nhân Vingroup đã tiên phong dẫn dắt sự thay đổi xu hướng tiêu dùng. Vingroup đã làm nên những điều kỳ diệu để tôn vinh thương hiệu Việt và là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành và hùng mạnh nhất Việt Nam với tài sản vốn hóa hàng chục tỷ USD, số lượng nhân sự lên đến dăm bảy vạn người… Sản phẩm, dịch vụ của Vingroup đã và đang bao phủ hầu hết các mặt của đời sống người Việt từ ăn mặc, mua sắm, chơi, học hành cho đến đi lại. Và trở thành tiêu chí cho một cuộc sống khá giả, thịnh vượng.

Không chỉ Vietjet hay Vingroup mà nhiều doanh nghiệp tư nhân khác đã và đang đóng góp công sức của mình để lại dấu ấn cho nền kinh tế. Có thể nói kinh tế tư nhân đang tạo ra nội lực cho nền kinh tế. Những đóng góp của kinh tế tư nhân ngày càng lớn hơn, thu ngân sách nhà nước ở khu vực này tăng nhanh trên 15%/năm. Nếu như năm 2016, đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân là 38,9% GDP thì đến năm 2018, tăng lên 43,3% GDP. Các thương hiệu tư nhân này đã góp phần định vị thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Cùng với ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, năm 2018 đã chứng kiến sự tăng tốc của các doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam đã có thêm 2 thành viên đại diện doanh nghiệp tư nhân gia nhập nhóm tỷ phú của Forbes.

 

Vingroup đã tiên phong dẫn dắt xu hướng thay đổi tiêu dùng

Mong được đối xử bình đẳng, công bằng

Mặc dù đã gặt hái nhiều thành công nhưng theo các chuyên gia, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục như môi trường kinh doanh chưa được công bằng, bình đẳng, nhiều rào cản còn hạn chế kinh tế tư nhân.

Mới đây tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air đã kiến nghị lên Chính phủ việc ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. “Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân mong được đối xử bình đẳng, công bằng từ cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong”, bà Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Mong muốn được đối xử công bằng là mong muốn chính đáng nhưng để làm được điều này thì phải xuất phát từ “niềm tin”. Bởi có “niềm tin” thì cơ quan quản lý mới “dám trao gửi” hay “giao nhiều trọng trách” cho các doanh nghiệp tư nhân. Không ít lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan quản lý vẫn giữ tư duy “doanh nghiệp trong nước không đủ tầm, không đủ năng lực để tham gia các dự án”.

Có thể thấy rõ sự thiếu niềm tin vào doanh nghiệp tư nhân rất rõ ràng khi các công trình lớn của quốc gia, đặc biệt là hạ tầng giao thông phải dựa vào nước ngoài như dự án đường sắt trên cao Hà Nội, Metro TP.HCM,... Trong khi năng lực của khối kinh tế tư nhân không hề yếu và tiềm lực cũng không phải kém. Điều này đã được chứng minh qua các công trình mà họ đã làm như sân bay Vân Đồn với thời gian xây dựng nhanh nhất Việt Nam; Ô tô Vinfast với thời gian ra đời nhanh nhất thế giới, hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực hàng không như Vietjet và gần đây nhất là Bamboo Airways.

Theo chia sẻ của PGS.TS Trần Đình Thiên trên báo Sài Gòn Giải phóng thì kinh tế tư nhân đang bị lép vế, tình trạng nền kinh tế hiện nay nếu nhìn từ góc độ cơ cấu các thành phần rất đáng báo động. Đó là nền kinh tế với cơ cấu thành phần, chiến lược phát triển có vấn đề: phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường... Chính vì vậy, các chủ thể kinh tế yếu thế mà nổi bật là kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị “mặc kệ phát triển”, thực chất là loại ra khỏi cuộc chơi dựa trên nguyên tắc xin - cho.

Như vậy để kinh tế tư nhân cất cánh, cần thay đổi cách tiếp cận quan điểm “thành phần kinh tế” sang cách tiếp cận “khu vực kinh tế”, để giúp thoát khỏi sự phân biệt đối xử, kỳ thị, tạo công bằng, hiệu quả trong môi trường kinh doanh. Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp quốc gia, trong đó thừa nhận và bảo đảm bằng luật sự bình đẳng của các khu vực kinh tế trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận