'Đất sạch' - yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư

Với những nỗ lực về đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao, đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.


Sau gần 15 năm xây dựng, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã trở thành điểm nhấn về phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với bảo vệ môi trường. Trong tổng số 263 ha đất KCN, Dự án này chỉ đưa 167 ha đất vào xây dựng công nghiệp, còn lại trên 40% diện tích đất của KCN dùng vào đất công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng, giao thông.

Đến nay, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật đã hoàn thiện và đồng bộ. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có những doanh nghiệp lớn đã quyết định đầu tư vào khu công nghiệp này.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec – Đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết: “Muốn xây dựng được một khu công nghiệp sinh thái đúng nghĩa, thì đầu tiên chủ đầu tư phải lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp với tư duy về vấn đề sinh thái. Mình phải hoạch định chiến lược rõ ràng thì mình mới làm được việc đó. Hiện nay đã có các doanh nghiệp đến từ Hà Lan, Italia, những nhà đầu tư châu Âu tiếp tục tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tiêu chí của khu công nghiệp sinh thái nhà đầu tư rất thích. Họ muốn đầu tư vào những khu công nghiệp theo tiêu chuẩn của họ”.

Ảnh minh họa: KT

“Đất sạch” là vấn đề cơ bản nhất trong phát triển công nghiệp của mỗi địa phương. Hiện nay, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp vào các khu công nghiệp là rất cao, trong khi hầu hết các khu công nghiệp của các tỉnh gần hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động ổn định.

Trong khi đó, thời gian gần đây có rất ít khu công nghiệp trên cả nước được xây dựng mới. Hiện nay, mỗi khu công nghiệp, khi đã có quy hoạch, nhưng để được ra đời phải mất nhiều thời gian, làm giảm yếu tố thị trường. Đây là vấn đề đang được chính quyền các địa phương khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: “Để phát triển khu công nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi mong Chính phủ cũng quan tâm hơn cho Bắc Giang hạn ngạch khu công nghiệp để có không gian phát triển. Thời gian tới Bắc Giang sẽ xúc tiến đầu tư bằng cách chủ động đi tìm các đối tác lớn, đối tác tiềm năng. Trước khi tìm đến họ thì mình đã chuẩn bị sẵn các điều kiện về cơ sở vật chất, đất đai, hạ tầng để họ đến là hoạt động được ngay”.

Rác thải được tái chế theo mô hình sản xuất xanh.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, vấn đề về trình tự thủ tục để phát triển khu công nghiệp đã được quy định rất rõ trong Luật Đất đai 2013 và tiếp tục hoàn thiện hơn trong Luật đất đai mới. Tuy nhiên, sự chủ động của các địa phương cũng rất quan trọng. Những khó khăn, vướng mắc ở khâu nào thì cần phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết. Nếu để kéo dài thời gian đầu tư khu công nghiệp thì sẽ làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư.

“Quốc hội đã có giám sát tối cao về thi hành chính sách đất đai, Luật Đất đai và 3 luật mới được ban hành. Đoàn giám sát của sẽ báo cáo Quốc hội về những giám sát đó trong kỳ họp sắp tới. Tất cả những kết luận của đoàn giám sát sẽ là căn cứ để phát triển lĩnh vực đó. Quy trình xin đất làm khu công nghiệp đã có từ hơn 10 năm nay rồi, vấn đề là anh có làm hay không và làm như thế nào mà thôi”- TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

Luật Đất đai và một số luật quan trọng đã được sửa đổi và có hiệu lực, tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng cũng sẽ được tháo gỡ.

Trong cuộc họp mới đây, Chính phủ tiếp tục Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tái định vị sản xuất. Rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận