Sẽ sử dụng AI để kiểm soát các hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử

Trong tuần tới, sẽ ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát các hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử...

 

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 5/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội quan tâm về công tác quản lý ngân sách nhà nước, một lĩnh vực then chốt trong việc duy trì ổn định tài chính và phát triển kinh tế quốc gia.

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử có tính chất xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các sàn mới xuất hiện và đang được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian qua, điển hình như Temu.

Đề cập đến những thành quả trong việc thu thuế từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện tại, cơ quan thuế đã thu được hơn 18.600 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài, và các sàn thương mại điện tử trong nước cũng đã bắt đầu đóng góp cho ngân sách.

Về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Phó Thủ tướng thông tin, đã thu thuế với 102 doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài như Google, Facebook… Riêng TP.Hà Nội đã thu khoảng 35.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính dự kiến sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát các hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử, đảm bảo sự minh bạch và quản lý doanh thu hiệu quả.

“Trong tuần tới, chúng tôi sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát doanh thu và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử,” Phó Thủ tướng chia sẻ.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu sáng 5/11, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, phân bổ và giải ngân ngân sách đầu tư công hiện nay là một trong những thách thức hàng đầu do các quy định thủ tục quá chặt chẽ. Quá trình này bị trì hoãn do cần phải hoàn tất các quy định về định mức và đơn giá cũng như phải tuân thủ các thủ tục pháp lý nghiêm ngặt.

“Việc phân bổ ngân sách và chi thường xuyên vẫn chưa thực hiện hết dự toán, và việc giải ngân chậm là một vấn đề thực tiễn hiện nay. Điều này đòi hỏi phải đổi mới cách thức trong phân bổ dự toán ngân sách cũng như kế hoạch chi đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng phát biểu, đồng thời chỉ ra các vướng mắc pháp lý cụ thể như: theo quy định hiện hành, trước khi dự án được phê duyệt và có đầy đủ dự toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể tham mưu cho Chính phủ hoặc Quốc hội về phân bổ nguồn vốn.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, trong một số dự án đầu tư xây dựng, các bộ, ngành chưa có đơn giá, định mức được phê duyệt nên không thể triển khai phân bổ chính xác dự toán.

Một trường hợp điển hình là phân bổ vốn cho các hoạt động khoa học và công nghệ. Phó Thủ tướng giải thích, dù Quốc hội đã quy định tỷ lệ chi 2% cho các hoạt động này, nhưng thực tế chỉ mới chi được hơn 1% vì phải chờ phê duyệt các quy định và định mức từ các ngành liên quan. Ông cho rằng, nếu không có sự cải cách về thủ tục này, việc chậm giải ngân sẽ tiếp tục diễn ra và cản trở sự phát triển của các dự án trọng điểm.

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng đề xuất một giải pháp cải cách về phân bổ ngân sách, cụ thể: sau khi Quốc hội phê chuẩn tổng thể ngân sách, nguồn vốn sẽ được phân bổ một lần trực tiếp cho các bộ, ngành và địa phương để tự triển khai theo đúng quy định. Bộ Tài chính sẽ chỉ kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong chi tiêu.

“Nếu chúng ta có đồng thuận về mặt tư duy như vậy, quy trình sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn”, ông Phớc nói.

Cả nước tiết kiệm 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên trong năm 2024

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng, tiết kiệm chi là biện pháp cần thiết để tối ưu hóa ngân sách. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm tiết kiệm chi thường xuyên thông qua cắt giảm các chi phí không cần thiết.

“Chúng ta tiết kiệm chi chủ yếu từ các khoản sự nghiệp kinh tế, đô thị, mua sắm, công tác phí, hội nghị, tiếp khách, và các khoản chi khác. Tuy nhiên, phần lớn ngân sách chi cho lương và phụ cấp là cố định, khó có thể cắt giảm thêm,” Phó Thủ tướng chia sẻ.

Đến nay, chính sách này đã giúp tiết kiệm khoảng 7.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, một con số đáng khích lệ. Đặc biệt, một số bộ, ngành đã thực hiện chính sách tiết kiệm ở mức tối đa, như Bộ Văn hóa chỉ được cấp ngân sách ở mức rất thấp, khoảng vài trăm tỷ đồng nên hầu như không còn gì để tiết kiệm thêm. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành cố gắng tiết kiệm thêm ở các khoản chi khác như chi phí đi nước ngoài, công tác phí, hội nghị nhằm tạo nguồn lực cho các hoạt động cần thiết.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra định hướng tiếp tục tiết kiệm trong đầu tư công, bằng cách giảm định mức và chi phí ở mọi giai đoạn.

“Chúng ta sẽ tiết kiệm trong quá trình định mức dự toán, thi công, vận chuyển, và bảo quản các công trình công. Những khoản tiết kiệm này sẽ được sử dụng hiệu quả vào các mục tiêu phát triển hạ tầng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.

Theo như các đại biểu Quốc hội phản ánh, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho hay, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.

Về các chính sách tài khóa mở rộng và biện pháp tăng thu ngân sách, trong 4 năm qua, Chính phủ đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng chi ngân sách để kích thích kinh tế.

“Chúng tôi đã giảm gần 800.000 tỷ đồng tiền thuế, trong khi thu ngân sách vẫn vượt gần một triệu tỷ. Chính sách này giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, và các công trình an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cẩm Tú/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận