Bộ trưởng KH&ĐT: Dubai xây dựng thành phố 600 ha, gồm 500 toà nhà đúng 5 năm

Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) theo hướng mở, kiến tạo xuất phát từ thực tiễn yêu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi của doanh nghiệp và cạnh tranh quyết liệt trong thu hút đầu tư.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư chiều nay (6/11), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những vấn đề mới được đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư PPP xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, của doanh nghiệp.

Tư lệnh ngành KH&ĐT đề cập đến cơ chế mở cửa, ban hành các quy chuẩn trước, hậu kiểm sau để phát triển, tăng tốc nhằm vượt qua các quy định quản kiểm mất thời gian, tiền bạc như hiện nay. Ông cũng đề cập đến các cơ chế đã thực hiện thành công của Trung Quốc, Dubai giúp các nước này phát triển vượt bậc, kinh ngạc.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

“Trung Quốc xây dựng nhà máy ô tô trị giá hàng tỷ USD chỉ mất 11 tháng, làm trung tâm thương mại hàng triệu USD chỉ 68 ngày. Đất nước Dubai, họ xây dựng thành phố 600 ha, gồm 500 toà nhà, trị giá 20 tỷ USD đúng 5 năm. Tại sao người ta làm được như vậy?”, Bộ trưởng KH&ĐT nêu thực tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, họ không cầu kỳ quy định, quy trình mà cả một dự án như vậy, hoàn thành đúng tiến độ, không sai một ngày nào! Về thiết kế và quy hoạch, khi ở Việt Nam từ khâu làm quy hoạch, thiết kế dự án, lập dự toán, thiết kế mất cả năm thì ở Dubai họ chỉ yêu cầu 2 điều đơn giản, dễ hiểu.

“Quốc vương Dubai chỉ duyệt nhiệm vụ thiết kế với 2 điều. Một là không được nhà nào giống nhà nào. Thứ hai là trong thiết kế quy hoạch, kiến trúc từ điểm nọ đến điểm kia không phải là đường thẳng, còn nhà đầu tư muốn thiết kế nào thì cho tự do”, ông Dũng cho hay.

Liên quan đến kết cấu và mật độ, môi trường, Tư lệnh ngành KH&ĐT khẳng định: “Họ theo đúng quy định chuyên ngành, cứ thế làm, không phải xin phép ai. Khi kiểm soát, họ làm sa bàn hết lên, Quốc vương Dubai chỉ phê duyệt 2 tiếng là xong”.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong cuộc chạy đua rút ngắn trình tự thủ tục, tận dụng cơ hội và nguồn lực cho phát triển, các nước đã đi đến như thế.

“Họ biết cần quản lý cái gì? bằng công cụ nào? Đó là hậu kiểm, chính là ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để theo đó thực hiện”, ông Dũng cho biết.

Về kiểm tra, giám sát, Nhà nước và Nhà đầu tư cùng chịu trách nhiệm về phần việc của cá nhân mình: “Các thủ tục thông thoáng, hấp dẫn mới phát triển và thu hút được nguồn lực. Nhà đầu tư, người ta chỉ cần tự do, Nhà nước quy định cái gì, họ chấp nhận và đầu tư”.

Theo Tư lệnh ngành KH&ĐT, đây là kinh nghiệm mà chúng ta cần phải học hỏi để giúp các nhà đầu tư tự do thực hiện kế hoạch của mình. Chính vì vậy, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), Bộ KH&ĐT đề xuất đưa các dự án công nghệ cao nằm trong khu kinh tế, khu chế xuất được phép đăng ký đầu tư, không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư và yêu cầu thời gian trong 15 ngày phải cấp thủ tục cho họ.

“Chúng tôi làm mạnh và làm mạnh hơn nữa. Thậm chí sắp tới còn muốn thực hiện các thủ tục ở một cửa tại địa phương, giao trách nhiệm Ban Quản lý làm các thủ tục để thuận lợi cho nhà đầu tư. Họ không phải lên bộ này, ngành kia, không phải đến các Sở, ban ngành ở địa phương nữa”, ông Dũng khẳng định.

Thiếu công bằng với dự án PPP nên khó thu hút nhà đầu tư

Trước đó, tham gia góp ý tại phiên thảo luận chiều nay 6/11, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Nguyên nhân là do các dự án khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít, đồi núi... thì kêu gọi đầu tư PPP. Trong khi đó, những dự án thuận lợi giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe lưu thông nhiều được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, “đây là điều không hợp lý, thiếu công bằng với dự án PPP nên không thu hút được nhà đầu tư”, đại biểu Đoàn Đồng Tháp nêu thực trạng.

Do đó, ông Hoà cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung điều chỉnh cho các dự án PPP là cần thiết.

Tuy nhiên, các dự án PPP được áp dụng “cơ chế chia sẻ phần trăm giảm doanh thu” có thể dẫn đến rủi ro cho nhà nước nhiều hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng từng dự án để có hiệu quả cho nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm hài hoà lợi ích nhà nước và nhà đầu tư.

Về quy trình dự án PPP không phải thực hiện các bước thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, không sử dụng vốn nhà nước, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị cân nhắc phải có thẩm định để rõ nguồn vốn và khách quan trong đầu tư và thời gian thực hiện, nhằm hạn chế nhà đầu tư lách luật kéo dài dự án để thu phí.

Về hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), theo đại biểu Hòa, lĩnh vực này chỉ mới cho phép áp dụng thực hiện thí điểm ở TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, chưa được tổng kết đánh giá tác động đầy đủ, rút kinh nghiệm thực tế. Đại biểu đồng tình với cơ quan thẩm tra là chưa đủ cơ sở để Luật hoá các quy định về cơ chế trình tự thủ tục của loại hợp đồng BT.

Đại biểu nêu những tiêu cực như thời gian qua khiến không ít quan chức phải vướng vòng lao lý: "Việc chuyển giao cho nhà đầu tư bằng tiền, bất động sản nếu chưa tính toán đầy đủ sẽ bị thất thoát tài sản nhà nước hoặc nhà đầu tư bị thiệt thòi".

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, các dự án hợp đồng BT tại một số địa phương chưa được tổng kết đầy đủ nên phải xác định rõ hơn các lợi ích hạn chế của hợp đồng này trước khi luật hóa.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh).

Đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị làm rõ quy trình xác định giá, tỉ lệ chênh lệch giữa công trình và quỹ đất thanh toán. Tăng tỉ lệ vốn nhà nước tối đa là 70% trong các trường hợp đặc biệt là hợp lý nhưng phải bổ sung rõ hơn các tiêu chí áp dụng nhằm tránh trường hợp tỉ lệ cao này bị lợi dụng. Đồng thời, đề xuất mở rộng thẩm quyền quyết định vốn nhà nước tham gia các dự án lớn hơn cho các cơ quan có thẩm quyền khác ngoài Thủ tướng và HĐND cấp tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ trong thẩm quyền.

Ông Bình cho rằng, việc mở rộng tất cả các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP để tăng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân vào nhiều hơn nhằm giảm ngân sách cho nhà nước.

Tuy nhiên, cũng phải đánh giá thực tiễn các dự án áp dụng cơ chế PPP, trong đó có BT ở ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An đã thí điểm và rút kinh nghiệm để đảm bảo cơ sở vững chắc và hiệu quả nhất là khi còn những thách thức hay chưa đủ tổng kết đầy đủ về triển khai PPP về lĩnh vực này./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận