Theo Bộ NN&PTNT, thời gian còn lại khi đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam không còn nhiều, để gỡ được “thẻ vàng” IUU, các địa phương phải giải quyết được tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, nhóm tàu cá “3 không” - không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép là nhóm tàu rủi ro cao về khai thác hải sản bất hợp pháp. Khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, sửa đổi Thông tư 23 quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá, qua đó giúp các địa phương đăng ký, đăng kiểm cấp giấy phép khai thác và lắp thiết bị giám sát hành trình đối với những tàu cá trên 15 mét và đưa vào quản lý những tàu ven bờ.
Ông Nguyễn Quang Hùng đề nghị, các địa phương tập trung cao điểm việc đăng ký, đăng kiểm, nhất là nhóm tàu cá “3 không”; khẩn trương cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản: Hiện nay các tỉnh, thành phố đang tập trung giảm tối đa nhóm tàu “3 không”, trong quá trình triển khai các địa phương có những vướng mắc, khó khăn sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn, tháo gỡ. Trường hợp những tàu cá không xử lý được phải lập danh sách và quản lý chặt chẽ tại bến, đảm bảo những tàu này không đi khai thác bất hợp pháp.
Sau 6 năm Ủy ban Châu Âu (EC) ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, đến nay tại các tỉnh, thành phố ven biển vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục. EC kiến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc xử phạt quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), vượt ranh giới biển; xử phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về khai thác thủy sản, kiểm soát chặt chẽ tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Bên cạnh đó, xử phạt 100% trường hợp vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung tuyên truyền ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thuyền trưởng Nguyễn Trung, tàu cá QNg- 98534- TS ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bên đó đúng là ngư trường của họ có nhiều cá hơn. Chỉ cần tàu mình qua đó đánh bắt là đạt hơn nhiều nhưng mà giờ không dám, tất cả cái gì cũng sợ, sợ về Nhà nước mình phạt, sợ gặp tàu nước ngoài là nguy hiểm, qua đó bị bắt giữ họ lai dắt tàu về luôn là mất trắng hết”.
Theo Nghị định số 38 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt từ 500 - 700 triệu đồng. Đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản sẽ bị phạt tiền mức tối đa 1 tỷ đồng. Mức phạt này nhằm tăng tính răn đe, chấm dứt tình trạng tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, khai thác vùng biển nước ngoài. Trước mức phạt xử phạt rất cao như vậy, ngư dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm các quy định IUU, không dám xâm phạm vùng biển nước nước ngoài để khai thác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã thông báo danh sách tàu cá của tỉnh có nguy cơ cao về vi phạm IUU. Theo danh sách này, tỉnh Quảng Ngãi có 573 tàu. Trên cơ sở thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã, thành phố ven biển đã triển khai các giải pháp chủ động ngăn chặn số tàu cá này vi phạm.
Ông Nguyễn Lâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Thành phố Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, đối với những ngư dân, những tàu cá đã có những vi phạm hoặc tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU để làm thế nào cùng với tỉnh quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian đến”.
Thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường tuyên truyền đến từng ngư dân, góp phần nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản. Đặc biệt là thực hiện nghiêm Công điện số 49 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm về hệ thống VMS...; qua đó, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Quảng Ngãi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nói về gỡ thẻ vàng thì ngành nông nghiệp xác định trọng tâm trong thời gian này là thực hiện 3 nội dung. Thứ nhất là quản lý tốt đội tàu khi ra vào và hoạt động trên biển, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài. Thứ hai là tập trung xử lý tàu vi phạm, đặc biệt là các tàu ngắt kết nối trên biển”./.
Theo VOV.VN