Theo đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp lần thứ 8 lần này là rất cần thiết, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách, pháp luật của chúng ta cũng đã không ngừng phát triển, hoàn thiện. Nhiều đạo luật có các nội dung liên quan chặt chẽ, mật thiết đến hoạt động quảng cáo đã được Quốc hội ban hành thời gian qua như: Luật Điện ảnh 2022, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, hay gần nhất là Luật Dược 2024 đều có những quy định về hoạt động quảng cáo trong những lĩnh vực riêng biệt.
Bên cạnh đó, quan điểm trong quản lý nhà nước về quảng cáo cũng đã có sự thay đổi. Quảng cáo giờ đây không đơn thuần chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại mà còn được xem là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của công nghiệp văn hoá. Vì vậy chính sách, pháp luật cũng cần thay đổi để tạo điều kiện phát triển cho lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết: "Dự thảo Luật cần được xây dựng dựa trên những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là ở các quốc gia phát triển, có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp, hiện đại; lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp, hội, hiệp hội… để bảo đảm tính khả thi, tính dự báo phù hợp với bối cảnh hiện tại và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người tiêu dùng; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, phát triển thị trường quảng cáo và nâng cao chất lượng sản phẩm quảng cáo; có khả năng hội nhập với thị trường quảng cáo thế giới".