Theo một kết quả khảo sát, trong số hơn 2.700 doanh nghiệp, có tới 64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho quá trình chuyển đổi xanh và chỉ có 5,5% doanh nghiệp thực hiện các hoạt động giảm khí thải.
PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.
PV: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về thực trạng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các điều kiện về chuyển đổi xanh?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Chúng tôi có hai luồng để tiếp cận với các thông tin từ phía doanh nghiệp. Đầu tiên là chúng tôi có khảo sát đánh giá diện rộng thường niên để hình thành với báo cáo về mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, chúng tôi đi rất sát với những hoạt động trong thực tiễn với nhiều hiệp hội doanh nghiệp, các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Từ cả hai luồng này cho thấy, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt còn ở mức độ thấp so với cả những yêu cầu về mặt pháp lý, chính sách cũng như những sức ép liên quan đến chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, điểm sáng là so với thời điểm cách đây khoảng 3 năm khi mà Chính phủ bắt đầu có cam kết mạnh mẽ ở COP 26 về mục tiêu về giảm phát thải, cải thiện về nhận thức, về hành xử của doanh nghiệp cũng đã có những bước tiến rất mạnh mẽ.
Thời điểm hiện tại thì chúng tôi cũng vừa hoàn thành xong đánh giá của năm nay và có những cái bàn tròn chuyên sâu với doanh nghiệp của các ngành, lĩnh vực thì, hiện tại, những doanh nghiệp mà hoạt động trong nội địa thì mức độ sẵn sàng còn mức độ rất thấp vì sức ép chưa tới, những doanh nghiệp mà có thị trường hoạt động xuất khẩu nhiều hoặc có những doanh nghiệp quy mô lớn thì mức độ sẵn sàng cao hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện những hoạt động chuyển đổi này thì doanh nghiệp cũng cho biết là còn rất nhiều những vấn đề khó khăn. Khó khăn đầu tiên là về nguồn vốn, doanh nghiệp Việt phụ thuộc khá nhiều vào những dòng tín dụng nhưng đa phần tín dụng ngân hàng là tín dụng ngắn hạn và dòng tiền đó nó không phù hợp với chuyển đổi xanh. Vì chuyển đổi xanh phải là câu chuyện đầu tư trung và dài hạn.
Khó khăn thứ hai các doanh nghiệp đề cập rất nhiều, đó là nhân sự. Đây là những nhân sự có chuyên môn sâu, có kỹ năng và hiểu biết liên quan đến quy trình, gắn với giảm phát thải và chuyển đổi xanh. Thứ ba là khó khăn về những biện pháp kỹ thuật cụ thể. Vì quá trình chuyển đổi này nó gắn với cả đầu tư về mặt công nghệ, thay đổi mô hình quy trình. Những câu chuyện đó thì mỗi một ngành nghề, lĩnh vực, chúng tôi có thể kể ra những doanh nghiệp điển hình đã bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên nhưng để nói là định hình được mô hình một cách rõ ràng, chuẩn mực thì chưa hoàn toàn có được những mô hình doanh nghiệp như vậy.
PV: Thưa bà, để có thể là hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, thời gian tới Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ như thế nào?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Trong báo cáo gần đây nhất trình Thủ tướng Chính phủ, ở góc độ Ban IV, thời điểm tháng 9 vừa rồi, chúng tôi có nêu một số đề xuất. Ở góc độ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thì có một bài toán rất quan trọng hiện tại, đấy là khung pháp lý để phù hợp với chuyển đổi xanh.
Khung pháp lý bao gồm 2 khía cạnh, một là cần phải hoàn thành những cái khung pháp lý mới và cái này cũng đang cho thấy một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Nhưng bên cạnh có những rào cản nó lại đến từ những khung pháp lý hiện hành mà nó chưa tương thích với yêu cầu chuyển đổi xanh.
Chúng tôi cũng kiến nghị, song song với việc ban hành mới khung chính sách, cũng cần quá trình rà soát để có thể cải cách được những quy định hiện hành mà nó có thể là lỗi thời hoặc không tương thích đối với những yêu cầu chuyển đổi.
Thứ hai, cũng rất cần sự hỗ trợ và quan tâm từ phía Chính phủ về những chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cũng cần phát huy vai trò của các tổ chức gắn kết và đứng giữa như vai trò của các hiệp hội, các trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhưng cũng cần những chủ trương rất lớn của Chính phủ và bộ, ngành. Bởi vì giai đoạn đầu của chuyển đổi bao giờ cũng khó khăn.
Ngay cả một việc cơ bản thôi là cập nhật thông tin chính sách một cách thường xuyên cũng rất hữu ích cho doanh nghiệp để họ biết cái dòng chảy của chuyển đổi và những yêu cầu chính sách mới, từ đó sẽ tổ chức được công việc của doanh nghiệp mình hiệu quả hơn.
Vấn đề thứ ba nữa, liên quan đến cái khó khăn tài chính của doanh nghiệp cho chuyển đổi xanh. Một trong những điểm nghẽn được nhiều chuyên gia chỉ ra đấy là cái khung pháp lý đang còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Mặc dù, hiện đã có những bước sơ khởi nhưng cần những cấp độ hướng dẫn cao hơn.
Chúng ta cũng thiếu những nghị định liên quan đến phân loại xanh, cụ thể là nó vẫn là những quy định, những định nghĩa về phân loại xanh để cho các doanh nghiệp, các ngân hàng, các tổ chức và định chế tài chính có ngôn ngữ dùng chung. Nếu không thì doanh nghiệp cũng sẽ phát triển các chương trình dự án mà bảo là xanh nhưng các định chế tài chính lại không thừa nhận nó là xanh thì việc tiếp cận dòng tiền nó cũng là một nút thắt mà cần về ứng xử.
Cuối cùng, là những chương trình hợp tác quốc tế. Chính phủ và các bộ, ngành đẩy rất mạnh những chương trình hợp tác quốc tế nhưng chúng tôi cũng đề xuất là phải gia tăng hình ảnh, tiếng nói của khu vực phía tư nhân. Tại vì, đây là một câu chuyện cần đến nguồn lực và nỗ lực rất lớn của đa bên, chúng ta phải thực sự là chú trọng cái bài toán hợp tác công tư trong quá trình này.
PV: Vâng. Xin cảm ơn bà!
Hải Hà/vovgiaothong.vn