Chinh phục và làm chủ công nghệ nuôi tôm cùng chiến lược thị trường, định vị thương hiệu 'ăn sạch để bảo vệ giống nòi', ông Lê Thanh Chúc đã triển khai thành công dự án 'Nuôi tôm cho đồng bào' - thuần hóa tôm càng xanh vùng nước lợ để phù hợp môi trường nước ngọt. Dự án góp phần xây dựng thương hiệu và giá trị cho tôm Việt, tạo sinh kế bền vững cho hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn.
Chuyển giao công nghệ nuôi tôm tiên tiến
Bén duyên với con tôm năm 2011 khi làm thuê tại một cơ sở sản xuất tôm sú giống ở Cam Ranh, Khánh Hòa, nhận thấy cốt lõi của sự thành bại nằm ở công nghệ nuôi trồng, ông Lê Thanh Chúc đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và thuần hóa thành công tôm càng xanh nước lợ trên vùng nước ngọt.
Ông Chúc triển khai ao nuôi đầu tiên vào năm 2015 tại Đông Anh (Hà Nội), nơi ông sinh ra, và hai ao khác tại Phú Thọ với tổng diện tích là 3.500m2. Khi ấy ông đầu tư đầu tư 100% cho bà con. Sau khi thành công với mô hình đầu tay, ông đã thành lập Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản và Thương mại miền Bắc, với kế hoạch bài bản nhằm nhân rộng mô hình, đồng hành cung cấp con giống, thức ăn có chế phẩm sinh học, chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi.
Trước khi quyết định hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật bà con từng vùng, công ty kết hợp với các đơn vị khảo sát vùng nuôi rất kỹ lưỡng, đặc biệt với vùng cao bởi khu vực này phải theo thời tiết, tránh buốt giá. Khâu này làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến tài sản đầu tư của bà con. Sau khi khảo sát vùng nuôi, tôm giống sẽ được vận chuyển cẩn thận bằng đường hàng không, với độ mặn tiêu chuẩn và thời gian bay không quá 12 tiếng. Sau đó, tôm sẽ được đội ngũ kỹ thuật của công ty thuần hóa từ 3 đến 7 ngày để phù hợp với thổ nhưỡng vùng nuôi.
Trên hành trình phát triển con tôm, theo ông Chúc, khó khăn lớn nhất là khâu chuyển giao công nghệ. “Bà con chưa nắm rõ về con tôm nên rất khó để thực thi đúng nguyên tắc, đặc biệt là đối với những người chưa quen với việc sản xuất chuyên canh”, ông Chúc tâm sự.
Với bà con tiềm lực kinh tế không mạnh, công ty sẽ hỗ trợ 3 tháng cuối vụ và ký cam kết được sự bảo lãnh của chính quyền địa phương thu mua tôm để đối trừ với chi phí đầu tư. Ông Chúc cho biết: “Tôm giống của công ty được sản xuất và nuôi dưỡng bằng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng vượt trội từ khi còn nhỏ. Chúng tôi áp dụng các quy trình chọn lọc giống nghiêm ngặt, kết hợp với các kỹ thuật chăm sóc hiện đại, giúp tôm giống phát triển khỏe mạnh và đạt chất lượng tốt nhất, sẵn sàng cho quá trình nuôi trồng. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng bà con nông dân trong suốt quá trình nuôi trồng. Với 1 vạn tôm giống, bà con có thể thu hoạch từ 200 - 250kg tôm thịt sau 6 - 7 tháng nuôi, tùy vào điều kiện chăm sóc và vùng miền. Cam kết của chúng tôi không chỉ là chất lượng giống mà còn là sự phát triển ổn định và hiệu quả cho người nuôi”.
Hướng đến đa dạng sản phẩm, dịch vụ
Dự án “Nuôi tôm cho đồng bào” là một trong những chương trình trọng điểm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản và Thương mại miền Bắc, hướng đến việc hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi tôm sạch và bền vững.
Hiện tại, công ty đang triển khai hoạt động nuôi tôm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, xây dựng nhiều mô hình liên kết chặt chẽ với trung tâm giống thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh; hợp tác với các chủ trang trại trên khắp các tỉnh thành, mở rộng quy mô sản xuất và phân phối. Công ty đã và đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 5.000 đến 10.000 hộ, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Công ty còn phát triển các dịch vụ liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường như: Dịch vụ câu tôm mang đến trải nghiệm thú vị cho khách hàng có điều kiện, chủ yếu là người nước ngoài; chuỗi nhà hàng ẩm thực hải sản phục vụ các món ăn tươi ngon từ tôm càng xanh và các loại hải sản khác; khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái... Đầu ra chính của tôm càng xanh là chợ hải sản lớn ở Hà Nội và Hải Phòng. Công ty còn sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, xuất khẩu sản phẩm sang Đài Loan và Trung Quốc.
Theo ông Chúc, để lựa chọn sản phẩm tôm sạch và an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua tôm từ các nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Tôm sạch, tươi ngon thường có vỏ bóng, thịt săn chắc, không có mùi lạ hay dấu hiệu của hóa chất bảo quản. Các đơn vị kinh doanh nên xây dựng mối liên kết với nhà cung cấp cam kết về chất lượng và quy trình sản xuất đầy đủ, ưu tiên sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ và công nghệ nuôi bền vững. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng niềm tin cho khách hàng.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng thêm các lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của thị trường như: phát triển mảng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm và sản phẩm từ cây lương thực, cây lấy lá, cây lấy củ và cây công nghiệp; ứng dụng phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học để canh tác bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao./.
“Với định hướng phát triển toàn diện và bền vững, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản và Thương mại miền Bắc mong muốn không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy nền nông nghiệp sạch, an toàn cho tương lai”.
Ông Lê Thanh Chúc, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản và Thương mại miền Bắc |