Rút ngắn khoảng cách hàng xuất khẩu và hàng nội địa, chuyện của ai?

Chất lượng hàng hóa xuất khẩu của VN không thua hàng của các nước tiên tiến nhưng, khoảng cách chất lượng giữa hàng xuất khẩu và hàng nội địa khá chênh lệch...

 

Có qua có lại

Rau quả là một trong số những mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Thời gian gần đây chất lượng rau quả xuất khẩu được cải thiện đáng kể và được nhận định có tính cạnh tranh cao ở nhiều thị trường ngoài nước.

Trong khi đó, người tiêu dùng nhận định chất lượng rau quả cho thị trường nội địa không được đảm bảo như xuất khẩu.

5 năm trở lại đây, khi thị trường thế giới có nhiều biến động, có thời điểm thị trường trong nước chính là bệ đỡ, là lối ra cho doanh nghiệp. Thế mà người tiêu dùng trong nước luôn cảm thấy bị thiệt thòi khi vẫn phải tiêu dùng những sản phẩm mà giới kinh doanh thường gọi là “hàng chợ”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Huy Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Langbiang Farm, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, những năm vừa qua, khoảng 70% sản lượng rau củ quả và sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp này xuất khẩu qua Trung Quốc, Singapore… Phần còn lại thì phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là TP.HCM và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, không chỉ Langbiang Farm mà nhiều doanh nghiệp của Lâm Đồng đã cân đối lại sản lượng cho thị trường nội địa lên đến 40%.

Ông Đường cũng khẳng định hàng phân phối cho hai thị trường về quy trình sản xuất, chất lượng tương đương nhau nhưng rõ ràng tiếp cận thị trường nội địa rất khó khăn.

Mặc dù người tiêu dùng, nhà phân phối trong nước có nhu cầu tiêu thụ hàng chất lượng cao, những vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận câu chuyện giá thành.

Tất cả sản phẩm chúng tôi đều công bố công khai các mức tiêu chuẩn, như: Globalgap, Vietgap, An toàn thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao… mình làm từ tâm, làm tự nguyện và làm rất trách nhiệm. Tuy nhiên khi tiếp thị cho nội địa thì nhiều hệ thống siêu thị đều có thông tin đã đủ nguồn cung. Hướng về phụ vụ khách nội địa rất muốn làm, nhưng thấy khó khăn quá nên đến nay chưa tiếp tục đẩy mạnh tiếp thị.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Bạch Khánh Nhật, Phó Chủ tịch Hiệp Hội điều Việt Nam cho biết: Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới năm thứ 18 liên tiếp và chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu.

Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 730.000 tấn nhân điều chế biến, đem về 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023. Hiện Việt Nam cũng có hàng chục sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều phục vụ thị trường Mỹ, Úc, EU…

Rau quả là một trong số những mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn.Ngành điều rất chú trọng thị phần trong nước, bởi nếu những mặt hàng này bán nội địa cũng sẽ mang lại giá trị gia tăng cao không khác gì xuất khẩu. Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa kích cầu được mặt hàng này đối với người tiêu dùng nội địa.

Qua thống kê, chỉ có khoảng 5% sản phẩm điều chế biến vào được quầy kệ của hệ thống siêu thị nội địa. Thị phần này có tăng mỗi năm nhưng không đáng kể.

Sự kích cầu ở đây không thể một mình doanh nghiệp hay hiệp hội muốn mà làm được mà xã hội cùng làm kể cả cần thiết có một sự hỗ trợ về chính sách để kích cầu cho sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu đi vào thị trường thì thật sự đến thời điểm này, tỷ lệ vẫn còn rất nhỏ, ông Nhật cho biết thêm.

Thu hẹp khoảng cách chất lượng

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Hoàng Trung, đến thời điểm này hầu hết những yêu cầu của thị trường lớn, thị trường chính cũng như những rào cản kỹ thuật về kiểm định thực vật, an toàn thực phẩm chất lượng cao thì doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đều đáp ứng được. Đặc biệt chất lượng, uy tín sản phẩm xuất khẩu được thế giới đánh giá cao, Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia hàng đầu xuất khẩu khi hàng hóa có mặt ở hơn 100 quốc gia.

Nhưng với thị trường trong nước, dường như chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải nỗ lực hơn nữa, không chỉ đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu mà về mặt kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hướng đến thị trường trong nước hơn 100 triệu dân phải được cân bằng, xem là thị trường quan trọng. Thời gian tới thị trường trong nước cần phải được lưu ý, để người dân trong nước phải là người được hưởng thụ những thành quả từ việc nâng chất lượng sản phẩm khi đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu này, ông Hoàng Trung nói.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cùng quan điểm này. Theo đó hàng hóa cung ứng ra thị trường trong nước thì liên tục phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong khi đó những sản phẩm cùng loại xuất khẩu thì làm rất tốt, kể cả đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các quốc gia khó tính. Nhìn nhận từ thực tế công tác quản lý cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế.

Vừa qua, Sở Công thương TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan vận động được 9 hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam cùng tham gia chương trình xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, an toàn - Tick xanh trách nhiệm:

"Các nhà cung cấp này người ta hiểu rằng chỉ cần làm sai những quy định hiện hành thì mất toàn bộ thị trường đối với kênh bán lẻ hiện đại. Chính vì vậy, nâng trách nhiệm của nhà cung cấp rất là cao. Chúng tôi đánh giá rằng, với cách tiếp cận vậy không khác gì cách kiểm soát hiệu quả của các hệ thống của nhiều quốc gia trên thế giới. Có nghĩa là, khi anh xuất khẩu vào thị trường chúng tôi mà vi phạm thì mất thị trường", ông Phương cho biết.

Để rút ngắn khoảng cách hàng xuất khẩu và hàng nội địa, việc nâng cao tính tự giác của nhà cung cấp thông qua chương trình xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, an toàn là một trong những giải pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng hàng hóa. Giải pháp quản lý này đang được ngành Công thương TP.HCM triển khai.

Ngoài các hệ thống bán lẻ, một số địa phương là vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ cũng đã tham gia chương trình, cam kết thực hiện đảm bảo chất lượng hàng hóa cho thị trường nội địa.

Nguyễn Quang/VOV -TPHCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận