Vì sao giá gạo giảm sâu?

  • 21/02/2025 13:51:05
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục sụt giảm, hiện tại về mức thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây. Giải pháp nào cho lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới là vấn đề cần được quan tâm.

Thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu lớn

Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo Việt sụt giảm liên tục kể từ tháng 12/2024 đến nay. Hiện tại giá đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Ngày 18/2, giá xuất khẩu gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 395 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 372 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 310 USD/tấn. Tại thị trường trong nước, lúa thường tại ruộng có giá bình quân 5.400 đồng/kg, lúa thơm 7.000 - 8.500 đồng/kg. Tại kho, giá lúa thơm giảm xuống còn 8.000 - 9.500 đồng/kg, thấp hơn 40 - 50% so với năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giảm giá gạo là do Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm sau hai năm hạn chế xuất khẩu và quay trở lại thị trường, tạo sức ép giảm giá trên toàn cầu. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia đều suy giảm, do Philippines đang kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước. Đồng thời, năm 2024 các nước này đã nhập khẩu một lượng lớn gạo để đảm bảo an ninh lương thực và đang chờ giá giảm thêm trước khi tiếp tục mua.

Thông tin dự báo tình hình sản xuất của các quốc gia khác trong năm 2025 cũng thuận lợi. Được mùa, sản lượng tăng hơn so với năm trước nên các nước nhập khẩu khá yên tâm về nguồn cung, họ không vội mua vào thời điểm này mà tiếp tục chờ với mong muốn mua được với giá càng rẻ càng tốt.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, đây là thách thức đã được lường trước từ cuối năm 2024 khi xuất khẩu gạo lập hai kỷ lục mới cả về sản lượng và giá trị. Điều đáng nói là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ chỗ cạnh tranh trực tiếp, có nhiều thời điểm vượt qua Thái Lan để đứng đầu thế giới, nhưng hiện tại đang lùi lại thấp nhất so với nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo lớn gồm Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan.

Cụ thể, ngày 18/2, thị trường gạo châu Á ghi nhận giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang ở mức 414 USD/tấn. Sản phẩm cùng loại của Pakistan đạt 397 USD/tấn. Tại Ấn Độ, giá gạo trắng 5% tấm của nước này được đưa về mức 408 USD/tấn, gạo đồ 5% tấm đạt 403 USD/tấn. Với mức giá xuất khẩu gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 395 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 372 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 310 USD/tấn, gạo Việt Nam đang đứng ở mức thấp nhất nhóm.

Giảm phụ thuộc vào khách hàng lớn

Thứ trưởng nông nghiệp Phùng Đức Tiến cho rằng, giải pháp để thoát khỏi tình trạng hiện nay là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường cho xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp cần tập trung không chỉ vào phân khúc gạo cao cấp, mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới như Trung Đông. Việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường là yếu tố sống còn để phát triển bền vững. Với thị trường Philippines, Indonesia, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các doanh nghiệp xúc tiến để giữ khối lượng xuất khẩu gạo ổn định và giá phù hợp theo từng thời điểm.

"Dù áp lực gia tăng, Việt Nam vẫn có lợi thế lớn nếu chú trọng vào chất lượng gạo. Các dòng gạo thơm, dẻo cao cấp như ST25 tiếp tục nhận được sự ưa chuộng từ các thị trường khó tính. Việc phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp duy trì sản lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lâu dài",Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động thương mại gạo đang trầm lắng nhưng điều này không có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng gạo giảm đi. Philippines và Malaysia vẫn có nhu cầu lớn về gạo ở phân khúc chất lượng tầm trung có giá vừa phải. Thị trường Trung Quốc và châu Phi đã bắt đầu nghe ngóng để đàm phán đơn hàng mới. Các đối tác đều biết rõ vụ lúa Đông - Xuân của Việt Nam là vụ có sản lượng nhiều nhất và chất lượng cao nhất trong năm, do đó khi thu hoạch rộ họ sẽ tích cực mua vào. Dự báo, khi vụ Đông - Xuân gần kết thúc vào tháng Ba và tháng Tư, các nhà nhập khẩu sẽ phải đưa ra quyết định mua hàng và giá gạo sẽ tăng dần.

Trước biến động căng thẳng về thương mại toàn cầu leo thang, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi chính sách, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bên cạnh việc tập trung vào thị trường truyền thống. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ tác động, diễn biến bất định của thị trường thế giới.

Ngành nông nghiệp đề xuất cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa.../.

“Trong rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dệt may, da giày, chúng ta không nên tập trung vào một thị trường lớn. Vì khi có biến động về cầu, về giá cả, hoặc là đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm thị trường ngách, tìm đơn hàng nhỏ, đơn hàng chuyên biệt để có thể tận dụng xu thế phân mảnh trong thương mại toàn cầu”.

                                                                                                                           TS. Nguyễn Quốc Việt - Viện phó Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

 

Bình luận

    Chưa có bình luận