Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này, nhiều ứng dụng gọi xe đã tham gia vào thị trường giao nhận đồ ăn.
Hấp dẫn bởi những tin tức khuyến mại
Chị Hồng Anh làm việc trên tuyến phố Bà Triệu (Hà Nội) chia sẻ, tháng trước, thời tiết còn mát mẻ, chị thường cùng đồng nghiệp ra ngoài ăn để thay đổi không khí, thư giãn tinh thần, nhưng bước vào hè, chị thường gọi đồ ăn về cơ quan ngồi ăn cho mát. “Đang ngồi trong phòng máy lạnh bước ra ngoài nắng nóng giữa buổi trưa quả là cực hình. Đấy là chưa kể nhiều quán ăn bình dân không có điều hòa, ngồi ăn được bát cơm thì mồ hôi vã ra như tắm. Vì thế, tôi thường gọi đồ ăn qua Grab Food cho tiện. Trên ứng dụng này, đồ ăn khá phong phú đa dạng từ cơm văn phòng, các loại bún, mì, pizza đến các món ăn vặt, món tráng miệng; từ tiệm ăn bình dân đến các nhà hàng sang trọng và cả chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, đáp ứng mọi nhu cầu ẩm thực của khách hàng. Món ăn trong ứng dụng được thiết kế khá bắt mắt với nhiều ưu đãi dành cho khách hàng” - chị Hồng Anh nhận xét.
Những trưa hè oi bức nư những ngày nắng nóng đạt đỉnh tuần qua tại Hà Nội, buổi trưa ra đường dễ dàng nhận thấy hầu như chỉ có bóng xanh của những nhân viên Grab Food, áo đỏ của Go Food đang xuôi ngược vận chuyển đồ ăn cho khách. Tại nhiều cửa hàng đồ ăn, hàng dài bóng áo xanh Grab nhẫn nại xếp hàng chờ mua đồ cho khách rồi tất tả giao hàng để khách kịp giờ ăn.
Chị Thu Lan làm trên phố Hàm Nghi (Hà Nội) cho biết, trước kia chị hay gọi đồ ăn trên foody.vn nhưng thời gian gần đây, chị thường gọi trên ứng dụng của Grab và Go Viet bởi hai ứng dụng này thường xuyên có mã khuyến mại, giá rẻ hơn đến ăn trực tiếp tại cửa hàng. Hơn nữa, hai ứng dụng này đồ ăn khá phong phú và hay có món mới. Nếu khách hàng gọi trong phạm vi bán kính dưới 5km nhiều khi còn được miễn phí ship, thời gian chờ đợi không quá lâu, chừng 15-20 phút, đồ ăn mang đến vẫn còn nóng. Gọi qua ứng dụng công nghệ, chị còn có thể theo dõi được hành trình của đơn hàng, giữ liên lạc trực tiếp với shipper qua chát, không cần thông qua một tổng đài trung gian như Now (của foody.vn). Vì vậy, không chỉ gọi ăn ở cơ quan mà nhiều khi vào những ngày cuối tuần, chị còn gọi đồ ăn cho gia đình để đổi món.
Nhiều bên hưởng lợi
Xu thế gọi đồ ăn qua ứng dụng được dự báo sẽ ngày càng tăng đồng nghĩa với việc tăng doanh thu cho hãng, bên cạnh đó tạo công ăn việc làm cho người lao động và nhà hàng cũng hưởng lợi khi tham gia dịch vụ này.
Anh Lê Thanh (shipper Grab Food) chia sẻ: “Tôi chạy GrabBike là chính, gần đây tham gia thêm Grab Food và cả Go Food thì thu nhập mỗi tháng tăng lên đáng kể. Mặc dù chỉ chạy thêm Grab Food hay Go Food khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày, vào thời gian hai bữa ăn chính là bữa trưa và bữa tối, nhưng vào những ngày nắng nóng, thu nhập từ giao nhận đồ ăn còn cao hơn chạy “xe ôm”. Để món ăn được nóng, người tiêu dùng thường đặt ở những cửa hàng gần, vì thế khi giao nhận đồ ăn, shipper chỉ phải chạy trong quãng đường ngắn, nhưng bù lại được hãng hỗ trợ, đảm bảo doanh thu từ 25.000-45.000/cuốc xe, với những đơn hàng thanh toán không thành công, hãng cũng có chính sách đền bù hợp lý.
Chị Thu Thủy (một người bán hàng ăn) chia sẻ, chị mới tham gia bán hàng ăn trên ứng dụng Grab Food 3 tháng và thấy doanh thu tăng khá khả quan. Mặc dù mỗi đơn hàng chị phải trả cho hãng 25-30% tổng giá trị nhưng bù lại lượng khách tăng lên mà chị không phải tốn thêm tiền mở rộng cửa hàng. “Mặc dù khách không trực tiếp đến cửa hàng nhưng muốn làm ăn lâu dài mình cũng phải giữ chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh để người ta còn gọi tiếp; thậm chí nếu món ăn ngon hay dở, người tiêu dùng còn chia sẻ cho nhau đặt hàng, hay tẩy chay quán” - chị Thủy nhận xét.
Theo thống kê của Grab, kể từ khi có thêm dịch vụ GrabFood, thu nhập của các đối tác tài xế GrabBike tăng lên khoảng 26% và lợi nhuận của đối tác nhà hàng, quán ăn cũng tăng 300% trong vòng 2-3 tháng.
Mới tham gia vào thị trường gọi món trực tuyến từ tháng 6/2019, mở đầu ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ chưa đầy 1 năm, GrabFood đã phủ sóng ở 15 tỉnh thành trên cả nước, là một trong những dịch vụ giao nhận thức ăn có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam hiện nay.
Theo khảo sát của Kantar TNS vào tháng đầu năm 2019, Grab Food là thương hiệu giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam (TP.HCM và Hà Nội) với 68% lựa chọn. Now của Foody.vn có 19% lựa chọn và Go-Food của Go-Viet là 1% người lựa chọn.
|
Còn Go-Food cũng đang có sự phát triển ấn tượng. Tháng 11/2018, Go-Food có mặt tại TP.HCM. Chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động, Go-Food đã nhận được gần 6 triệu đơn hàng. Vì thế, Go-Viet nhanh chóng xuất hiện tại Hà Nội vào tháng 4/2019. Anh Phùng Tuấn Đức, Giám đốc Điều hành Go-Viet chia sẻ: “Với sự góp mặt của Go Food, người dùng sẽ có thêm nhiều trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời với giá cả cạnh tranh”.
Với những người có công việc bận rộn, xu hướng gọi món ăn sẽ ngày càng gia tăng. Thị trường gọi món trực tuyến đang là mảnh đất màu mỡ. Ngoài 3 “ông lớn”: Grab, Go - Viet, Foody, trong tương lai chắc chắn sẽ có thêm những tên tuổi mới tham gia vào cuộc tranh giành thị trường béo bở này./.