Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ vào trong dân phục vụ cho nền kinh tế. Hằng năm, Việt Nam phải vay nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gấp với lãi suất không thấp trên 6% trong khi lượng vàng và ngoại tệ trong dân còn rất lớn.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định, nhiều năm qua, điều hành chính sách của Chính phủ chia làm 2 giai đoạn có sự khác biệt rõ rệt. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn lạm phát tăng chi, nợ xấu tăng chóng mặt, nợ công tăng đột biến...
Giai đoạn hiện nay là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế. Trong những năm gần đây, điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ có nhiều sự năng động, linh hoạt, tôn trọng quy luật thị trường, tương đối ăn khớp với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cùng một số chính sách kinh tế khác, đại biểu Chiểu đánh giá.
Về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, ông Chiểu đánh giá Chính phủ đã điều hành cung ứng đủ nhưng vẫn gắn chặt với hiệu quả vốn tín dụng.Đại biểu này cho biết Chính phủ đã xử lý nợ xấu nhanh và chắc. Nợ xấu từ trên 10% của toàn hệ thống hiện xuống chỉ còn 2,02%. Toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 43% số nợ xấu, tương đương số tiền trên 227.000 tỷ đồng.
Cần huy động tiền, vàng trong dân
Tuy nhiên, ông Chiểu cũng lưu ý, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố gây áp lực phải tăng lãi suất, dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại. Ông Chiểu khuyến nghị Chính phủ sớm và nhanh chóng giảm lãi suất cho vay. "Trong khi lãi suất của Việt Nam cao, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Trong khi lãi suất cao làm cản trở cho giảm giá thành sản phẩm, chi phí xã hội và giảm cạnh tranh của nền kinh tế", ông Chiểu phân tích.
Đại biểu Trần Quang Chiểu cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ và vàng trong dân, phục vụ cho nền kinh tế hằng năm.
"Thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong khi đó, lượng vàng và ngoại tệ của dân còn rất lớn", ông Chiểu chỉ rõ.
Đại biểu Chiểu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem lại các phương thức giải ngân. Ông cũng đề xuất mỗi người chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ, hoặc không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày.
Sức ép trả nợ gia tăng
Liên quan tới cân đối ngân sách, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ.
Ông Hàm dẫn chứng, năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.
"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng", ông Hàm nói.
Đồng quan điểm, theo đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên), nợ công được cải thiện nhưng vẫn cao và chưa thể yên tâm bởi Việt Nam mới trả được lãi, trả nợ gốc đến hạn.Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, tình hình thu ngân sách hiện không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, tăng nhanh. Trong khi đó, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán.
Đại biểu Toản cũng chỉ ra rằng, các năm qua tổng thể thu ngân sách nhà nước đều vượt lớn so với dự toán song số vừa thu chủ yếu là từ đất. Tuy nhiên, đây là khoản thu một lần, không có tính bền vững, ổn định, lâu dài do nguồn lực này là hữu hạn./.
(Theo Trần Ngọc/VOV.VN)