Đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững

Chỉ thị nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng phải quyết tâm hoàn thành để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho những năm sau tăng trưởng hai con số, với tinh thần: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa giữa thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn với phát triển trong trung và dài hạn; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động. Mục tiêu là hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm, toàn diện, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân.

Phát huy tối đa nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới, tinh thần đột phá, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Huy động mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ thị đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho từng ngành, địa phương; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định mới, đột phá đã ban hành, tháo gỡ, giải phóng ngay nguồn lực của nền kinh tế; tiếp tục ưu tiên thời gian, nguồn lực để tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút FDI; khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử và thu hút khách du lịch; thúc đẩy xuất khẩu bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển văn hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quyết liệt thực hiện các cam kết tại COP26, ổn định chính trị, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác truyền thông chính sách, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả.

“Luồng xanh” cho các dự án công nghệ cao

Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế diễn ra ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án; xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, dân doanh; luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, quy định “luồng xanh” cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao; tiếp tục triển khai hiệu quả, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào cuộc sống; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách mới, đột phá, đã được Quốc hội cho phép thí điểm về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát, cơ chế quỹ, đầu tư mạo hiểm, quỹ khoa học công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp... để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó ở cấp nào thì cấp đó chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện; tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành; xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên.

Phát triển động lực tăng trưởng mới, toàn diện

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế, nhiều địa phương chia sẻ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng Chính phủ giao. Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch tăng trưởng của năm 2025 là 8,5%. Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Quảng Ngãi xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trọng tâm, động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025, tập trung xác định vào công nghiệp với một số ngành chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; tập trung phấn đấu thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh việc cơ cấu lại những lĩnh vực chủ chốt gắn với tiến bộ khoa học công nghệ và thực hiện chuyển đổi xanh; trình Chính phủ hai đề án tầm cỡ quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất và Trung tâm du lịch tại đảo Lý Sơn”.

“Thành phố Hồ Chí Minh đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần “tinh - gọn - mạnh” từ năng lực đến hiệu quả, không để tình trạng gián đoạn trong quản lý nhà nước và gắn với triển khai đề án xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ phục vụ của công chức ở thành phố; tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các dự án tồn đọng, dự án có vướng mắc; huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển, chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Về lâu dài, tiếp tục phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện triển khai dự án Trung tâm tài chính quốc tế để  tạo ra kênh thu hút vốn, tập trung cho dự án cảng trung chuyển quốc tế”.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hải Phòng có hai bến cảng đang hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, thành phố sẽ khánh thành thêm bốn bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng, bến số 7 và bến số 8 đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất. Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12.

“Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Khu kinh tế ven biển phía Nam của thành phố với quy mô 13.000 ha. Hiện nay, thành phố Hải Phòng đang tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ.

“Thành phố Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển”.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Năm 2025, tỉnh Đồng Nai bố trí vốn đầu tư công là 15.770 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu giải ngân 95%; ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; xây dựng các kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện thuân lợi nhất đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Phước An... đưa vào sử dụng, tạo điều kiện phát triển những năm tiếp theo; tập trung thực hiện các thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, để đưa 5 khu đô thị - công nghiệp mới với tổng diện tích trên 2.700ha đi vào hoạt động./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận