Ổn định thị trường lúa gạo dựa vào năng lực sản xuất vững vàng

  • 07/03/2025 14:13:28
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Trước tác động của diễn biến cung cầu thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025 có xu hướng suy giảm, giá liên tục giảm. Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp khẩn bàn giải pháp tháo gỡ.

 

Sản lượng cao gây áp lực giảm giá

Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sản xuất cả năm vùng ĐBSCL ước đạt 3,8 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,09 tạ/ha; sản lượng ước đạt 24,057 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa, giống, thức ăn chăn nuôi khoảng 8,9 triệu tấn gạo; phục vụ cho xuất khẩu 15,177 triệu tấn lúa, tương đương 7,588 triệu tấn gạo…

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tháng 2/2025 sản lượng gạo toàn cầu dự kiến đạt 532,7 triệu tấn, mức cao kỷ lục, nhưng giảm nhẹ so với dự báo trước đó. Tổng cung gạo toàn cầu đạt 712,15 triệu tấn, cao hơn 9,2 triệu tấn so với năm trước. Tiêu thụ toàn cầu ước đạt 530,5 triệu tấn, tăng so với năm trước, chủ yếu do Trung Quốc và Indonesia. Tồn kho cuối kỳ dự báo 181,6 triệu tấn, giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn năm trước.

Hiện tại, giá gạo xuất khẩu Việt Nam là 395 - 400 USD/tấn, thấp hơn 50 USD/tấn so với Thái Lan, phản ánh sức ép cạnh tranh từ nguồn cung dư thừa. Nhu cầu từ các thị trường lớn như Philippines và Indonesia giảm do đã tích trữ đủ trong năm 2024, chờ giá giảm thêm. Trong thời gian tới, ông Phong cho rằng sản lượng cao tiếp tục là nguyên nhân gây áp lực giảm giá.

        Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025 có xu hướng suy giảm.

Ông Đỗ Hải Nam, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo hiện nay đang gặp khó khăn lớn, giá gạo xuất khẩu giảm tới 30% so với mức giá trung bình của năm 2024. Thực tế này đẩy các nhà xuất khẩu vào tình thế khó khăn khi giảm mạnh về lợi nhuận.

Ông Trương Mạnh Linh, đại diện Tập đoàn Tân Long chia sẻ, tập đoàn đã liên tục thu mua lúa gạo từ nông dân và hợp tác xã từ đầu vụ, đặc biệt là trong giai đoạn Đông Xuân. Hiện cơ sở vật chất của tập đoàn có thể lưu trữ sản phẩm lúa gạo giúp cho nông dân lên đến 300.000 tấn. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn nên các doanh nghiệp chỉ có thể đáp ứng nhu cầu thu mua và bán ra mà chưa thể tích trữ lâu dài.

Lo ngại trong bối cảnh cung lớn hơn cầu có thể dẫn đến hiện tượng thương lái ép giá nông dân hoặc các doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính bán tháo gạo để tránh thua lỗ; một số quốc gia nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam có thể lợi dụng thời điểm này để ép giá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý: “Nếu không bình tĩnh và đưa ra những quyết định phù hợp, chúng ta có thể rơi vào tình trạng bị ép giá từ các đối tác xuất khẩu và điều này sẽ tác động tiêu cực đến cả thị trường quốc tế và trong nước”.

Sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp

Ông Ngô Hồng Phong lạc quan nhìn nhận: "Nhu cầu từ Trung Quốc, EU, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng vẫn là điểm sáng. Chúng ta cần chủ động nắm bắt để củng cố vị thế. Dù giá giảm, năng lực sản xuất vững vàng là nền tảng để chúng ta vượt qua khó khăn và tận dụng cơ hội thị trường."

Ông Ngô Công Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã chủ động có các giải pháp bảo vệ diện tích lúa chưa thu hoạch và rà soát tiến độ thu hoạch hàng tuần, cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp thu mua, tránh tình trạng lúa ùn ứ. An Giang đang tích cực mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định, kiến nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và cho thuê đất để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến lúa gạo.

Ông Lê Hữu Toàn, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh này hiện đang triển khai Đề án 1 triệu ha và dự kiến mở rộng diện tích lên 100.000 ha. Hiệu quả của đề án này tạo năng suất cao hơn và mặc dù giá lúa giảm, nông dân vẫn có lãi. Giá bán hiện nay là từ 30 - 35 triệu đồng/ha cao hơn bên ngoài 10 triệu đồng/ha).

Ông Toàn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo để nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp từ giống, quy trình sản xuất, đến yêu cầu giảm dư lượng, giảm phát thải. Doanh nghiệp khi quy hoạch vùng nguyên liệu cần bố trí gần cơ sở sản xuất để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cho nông dân và hợp tác xã.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngành lúa gạo đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua, đặc biệt là sự chuyển dịch nhanh chóng sang sản xuất lúa chất lượng cao. Với Đề án 1 triệu ha trồng lúa phát thải thấp, là một trong những mô hình liên kết sản xuất quan trọng, giúp gia tăng hiệu quả sản xuất và giảm rủi ro cho người nông dân. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khoản tín dụng 30.000 tỷ để phục vụ Đề án này và nếu giải ngân hết sớm, NHNN sẵn sàng triển khai thêm. Việc tạm trữ gạo để đảm bảo chất lượng và ổn định giá cả là một vấn đề quan trọng, ngành ngân hàng đã và đang làm việc với các doanh nghiệp để có các khoản đầu tư vào hệ thống tạm trữ và chế biến sâu. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm khả năng trả nợ.

“Cùng với việc xây dựng thương hiệu, chúng ta cần chú trọng phát triển các thị trường khó tính nhưng tiềm năng như Nhật Bản, EU và Mỹ. Những thị trường này dù giá trị xuất khẩu chưa lớn nhưng rất ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường thế giới.”

                                                                                            Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận