Nhiều dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc mới triển khai xây dựng, chưa hội đủ các điều kiện giao dịch mua bán, nhưng đã rao bán tràn lan trên mạng và tại các sàn giao dịch. Theo cơ quan chức năng địa phương, việc bỏ tiền mua bán đối với các sản phẩm như thế này tiềm ẩn rủi ro cao, do vậy người dân cần tỉnh táo để tránh thiệt hại.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết lăng xê, tâng bốc quá sự thật về các dự án đầu tư bất động sản ven biển ở tỉnh Bình Thuận, cùng với đó là hoạt động chạy quảng cáo rao bán công khai khi các dự án này chưa đủ điều kiện giao dịch mua bán. Qua theo dõi, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Thuận xác định, hiện nay đang có hiện tượng truyền thông quá đà nhằm đánh lừa người dân. Điển hình như các dự án: Hamubay, Ocean Light Center, HTV.BT Phan Rí Cửa, Quenpearl Marina Complex La Gi, Khu dân cư nông thôn Hàm Thắng - Hàm Liêm, Khu dân cư Tiến Lợi…
Trong đó, đáng chú ý là dự án Hamubay của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải ở phường Đức Long và xã Tiến Thành. Giai đoạn 1 của dự án này vẫn còn là một hồ nước khổng lồ giáp biển chưa được lấp kín cùng với hàng loạt nhà cửa và mồ mả ở phía trên chưa được giải tỏa. Thậm chí khi mới có chủ trương của UBND tỉnh mở rộng giai đoạn 2, chính quyền chưa họp dân, chưa đền bù thu hồi đất của dân, công ty này đã vội cho người xuống đóng cọc "chiếm đất" và rao bán.
Vừa qua, khi các khách hàng của Công ty Trường Phúc Hải đến xem mua đất, người dân sống tại đây vô cùng phẫn nộ vì diện tích đất trong giai đoạn 2 vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân. Ông Nguyễn Năng, một người dân địa phương bức xúc: “Đất của tôi, sổ đỏ của tôi, vườn của tôi mà họ ngang nhiên rao bán như vậy, thì sao coi cho đành được. Tôi nghĩ rằng việc này nếu nhà nước không can thiệp kịp thời thì sẽ sinh ra nhiều phức tạp”.
Trước các hoạt động bát nháo vi phạm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan của các dự án bất động sản trên địa bàn, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu hàng loạt doanh nghiệp chưa đủ điều kiện phải dừng ngay các hoạt động giao dịch bất hợp pháp. Các dự án này phần lớn chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, một số mới đang triển khai. Thậm chí có dự án chỉ mới đang ở trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng các chủ đầu tư và nhà phân phối đã thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền từ khách hàng.
Ông Cao Sơn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận cho rằng, giao dịch các bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện sau này. Ông Dũng khuyến cáo:“Lời khuyên từ cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi là khi người dân giao dịch bất động sản nên nghiên cứu tìm hiểu cho kỹ về tính pháp lý. Có thể liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND các huyện và thành phố để các cơ quan này cung cấp thông tin để đảm bảo an toàn cho các giao dịch”.
Theo kế hoạch, tới đây Sở Xây dựng Bình Thuận sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản đang có vấn đề trên địa bàn tỉnh. Các dự án tiếp tục cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sở Xây dựng Bình Thuận cũng sẽ công khai tên các dự án có dấu hiệu lừa đảo để người dân và khách hàng nắm rõ, tránh rủi ro khi đầu tư vào các dự án bất động sản trên địa bàn.
Việt Quốc/VOV-TPHCM