Bán lẻ hiện đại đưa hàng Việt đến người Việt

10 năm thực hiện cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', hàng Việt đã chiếm tỉ trọng 70 - 80% tại kênh bán lẻ hiện đại.

 

Bán lẻ hiện đại đóng vai trò nâng đỡ nhà sản xuất

Cách đây 3 năm, một trong những lo ngại khi hệ thống Big C của người Pháp được bán cho người Thái là hàng Việt liệu có được chỗ đứng trong siêu thị Big C nữa hay không? Hay sẽ là hàng Thái ngập tràn? Đây không phải là lo lắng vô căn cứ, vì thực tế cho thấy, trong suốt 20 năm hoạt động ở Việt Nam, Big C, Metro (nay là Mega Market, cũng của người Thái) đã thực sự tạo được “sân chơi” cho các nhà sản xuất Việt Nam vốn nhỏ và yếu, kể cả bằng phương thức xây dựng nhãn hàng riêng. Cho dù phương thức nhãn hàng riêng này đã từng bị một số ý kiến kêu ca rằng làm mất quyền lợi thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất, ép giá nhà sản xuất quá mức…nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đều vui vẻ khi nhận được những đơn hàng nhãn hàng riêng quy mô lớn.

Theo thông tin từ siêu thị Big C Thăng Long, tỉ lệ hàng Việt đang kinh doanh tại hệ thống các siêu thị Big C và GO! Việt Nam được duy trì  ở mức khoảng 96% trên cơ cấu hàng hóa mảng kinh doanh thực phẩm. Các sản phẩm OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) luôn tăng trưởng 2 con số. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, cho biết: “Big C và GO! Việt Nam luôn chú trọng phát triển kinh doanh hàng Việt. Đây chính là nguyên tắc của chúng tôi nhằm đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển lớn mạnh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân”

Cùng với các đại gia nước ngoài, các nhà bán lẻ Việt cũng đang đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng thông qua những cửa hàng tiện lợi như Hapro Mart, VinMart... Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro - công ty cổ phần, cho biết: “Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của doanh nghiệp là phát triển mạng lưới bán lẻ với việc phát triển thị trường nội địa nòng cốt là hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Hapro Mart, lấy bán lẻ là động lực để xây dựng thị trường bán buôn và phân phối hàng hóa nội địa tại thị trường Việt Nam”. Hiện nay, hệ thống Hapro Mart đang là một trong những đầu mối quan trọng để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt thông qua các cửa hàng tiện lợi ở khu dân cư, với tỉ lệ hàng Việt chiếm tỉ trọng trên 80%. Ngoài ra Hapro Mart cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu đặc sản của các địa phương như nhãn Sơn La, gạo Đồng Tháp…đến với người tiêu dùng.

Hàng Việt trong HaproMart

Ông Trần Đình Hồng - Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Hà Tĩnh - cho biết: “Ở Hà Tĩnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được duy trì tốt. Song song với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống hơn 170 chợ truyền thống ở nông thôn và đô thị với hàng hoá bày bán đảm bảo sạch sẽ, an toàn thì các siêu thị, trung tâm thương mại ở đây cũng ưu tiên hàng Việt với hàng hoá bày bán đa số là hàng do doanh nghiệp trong nước hoặc trong tỉnh sản xuất, các mặt hàng xa xỉ, phải nhập khẩu như bia rượu ngoại đã hạn chế trên thị trường, đặc biệt là giảm nhiều trong các dịp Tết và lễ hội. Thị phần hàng Việt Nam sản xuất đã chiếm tỷ trọng hơn 80 %”.

Cần một góc nhìn thiết thực hơn với hàng nội

Mặc dù thành công đã được ghi nhận, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, con số thống kê 70 - 80% hàng hóa trong mạng lưới bán lẻ hiện đại dường như thể hiện cách hiểu “tích cực” của cơ quan quản lý Nhà nước hơn là phản ánh đúng thực tiễn. Các cơ quan quản lý nhà nước xác định hàng Việt là hàng sản xuất tại Việt Nam, bất kể sản phẩm đó do doanh nghiệp trong nước sản xuất hay doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, người tiêu dùng thường quan niệm hàng Việt là hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) đã từng cho rằng cơ quan quản lý nặng về thành tích nên khi nói đến hàng Việt thì thường gộp tất cả để có con số lớn, thành tích lớn

Tất nhiên, việc phân biệt rành rẽ sẽ là quá cứng nhắc, nhưng Bộ Công thương cần có một góc nhìn đầy đủ về hai nhóm hàng này để có biện pháp khuyến khích sản xuất trong nước. Trong đó, phương thức khuyến khích hiệu quả nhất là tạo cơ chế để doanh nghiệp nội tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia với tư cách là một đối tác chứ không phải chỉ là người gia công. Để làm được điều này, doanh nghiệp, nhà sản xuất cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý, cũng như đầu tư xứng đáng cho bao bì, mẫu mã để từ đó khẳng định được chủ quyền cũng như tính đặc sắc của sản phẩm.

Big C Việt Nam liên tục quảng bá hàng Việt

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú lại đưa ra một con số khác. Theo ông Phú, hàng Việt ở chợ chiếm 80 - 90%, còn ở siêu thị chiếm khoảng 65 - 70%. Ông Vũ Vinh Phú lý giải: “Hãy quan sát thì thấy rõ: nhóm hàng gạo, rau..thì hàng viêt chiếm 80 - 90%. Ở nhóm hàng hoa quả thì hàng Việt chiếm 30 - 40%, hàng điện máy Việt chiếm 20 - 30%, bánh kẹo hàng Việt chiếm 50 - 55%, hàng may mặc chiếm 60 - 70%.....như vậy hàng Việt ở siêu thị tính bình quân chỉ chiếm 65.70%,là cùng. Còn ở chợ hàng Việt chủ yếu hàng ăn uống thực phẩm thiết yếu nên chiếm tỷ trong cao hơn siêu thị. Điều quan trong là xu hướng nhập khẩu hàng tiêu dùng. Nhập càng nhiều trong khi năng lực cạnh tranh còn yếu và hệ thống phân phối chưa đủ mạnh thì sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước”. Vì vậy, theo ông Vũ Vinh Phú, “Cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng hệ thống phân phối Việt đủ sức cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. Đây là con đường tất yếu để hàng Việt tồn tại và phát triển ở thị trường nội địa”

Sự phát triển của mạng lưới bán lẻ hiện đại Việt Nam mà tiêu biểu là VinMart với khoảng 1300 cửa hàng tiện lợi và 23 siêu thị sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa tạm gọi là “thuần Việt” thâm nhập thị trường nhiều hơn. Nhưng muốn được lựa chọn thì rõ ràng hàng Việt phải chứng tỏ được tính ưu việt của mình về chất lượng, mẫu mã, giá cả, khả năng phù hợp thị hiếu. Thực tế đã có những thương hiệu Việt không còn thuộc sở hữu người Việt nữa, như thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô đã bán cho đối tác nước ngoài. Như vậy nghĩa là từ nguyên liệu bột, đường cho đến phụ gia đều nhập khẩu hết chứ không phải sản xuất trong nước.

Thực tế là sản xuất trong nước đang khá phụ thuộc vào nguyên nhiên vật liệu của nước ngoài, do đó, điều quan trọng trong bối cảnh hiện tại là thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Theo các chuyên gia, để khuyến khích sản xuất trong nước phát triển thì việc thu hút đầu tư nước ngoài cần chặt chẽ hơn, hạn chế thu hút vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước có khả năng sản xuất./.

“Khách hàng chuộng hàng Việt vì chất lượng ổn định, giá cả hợp lý và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Big C có khu vực trưng bày các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm thuộc chương trình “sinh kế cộng đồng” thu hút được sự quan tâm của khách hàng” - Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận