Trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Ventures Summit 2019), 18 quỹ đầu tư đã cam kết 425 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng) cho các startup của Việt Nam trong 3 năm tới.
Theo báo cáo của TOPICA năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 (cùng số thương vụ) và gấp 6 lần năm 2016.
Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu, Báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi của năm 2017.
Dự kiến trong các năm tới, các startups giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD.
Cần đầu tư nhiều hơn vào R&D
Phát biểu tại Diễn đàn Vietnam Ventures Summit 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo ra cơ hội mới cho startup và tất cả mọi người để sản xuất, kinh doanh, cùng phát huy giá trị.
"Không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn tìm thấy ở Việt Nam cơ hội hoàn thiện doanh nghiệp, đem đến lợi ích cho dân tộc, thế giới. Như vậy, lợi thế của Việt Nam sẽ luôn luôn có và liên tục", ông Vũ Đức Đam nói.
Để được như vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần cải thiện thứ bậc, phải có bước đột phá CNTT và những ngành kinh tế ứng dụng nhiều CNTT, kinh tế số, CMCN 4.0...
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đầu tư nhiều hơn vào R&D (nghiên cứu & phát triển) và đào tạo, bên cạnh các yếu tố khác như tín dụng, đất đai, điều kiện tiếp cận thị trường… "Nói là doanh nghiệp là trung tâm mà không có các chỉ số thiết thực thì không ổn", ông Đam lưu ý.
Gọi vốn không dễ dàng
Trong khuôn khổ diễn đàn, các startup Việt đã chia sẻ ý kiến đánh giá về môi trường khởi nghiệp kinh doanh, thẳng thắn nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình gọi vốn...
Doanh nhân Nguyễn Hữu Tuất - CEO Fastgo - cho biết: Dòng vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài đổ về khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tăng, theo thống kê năm 2018, Việt Nam ghi nhận 128 triệu USD vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Tuất, con số này thấp hơn rất nhiều so với số tiền đầu tư thực chất vào, bởi các startup của Việt Nam nhận vốn đầu tư nước ngoài phần lớn thành lập công ty tại Singapore, nên tiền đầu tư vào các startup của Việt nhưng lại ghi nhận đầu tư cho Singapore.
Nguyên nhân mà CEO Fastgo chỉ ra là do các quy trình thủ tục từ lúc ký hợp đồng đầu tư đến lúc hoàn thành đầu tư cho một quỹ đầu tư hay công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mất khoảng 6 tháng với các ngành nghề không có điều kiện, với ngành nghề có điều kiện mất khoảng 1 năm.
Do đó gây trở ngại cho các startup trong việc chậm trong việc giải ngân và sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, ông Nguyễn Hữu Tuất đề xuất, Chính phủ nên xem xét cắt giảm các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh chồng chéo.
Còn CEO Alobase Nguyễn Huy Hoàng nhận định, việc nhận vốn đầu tư từ nước ngoài của các công ty Việt không hề dễ dàng, dù số lượng các nhà đầu tư đến việt nam tăng lên mỗi năm.
Ông Hoàng kiến nghị: Đăng ký quy trình thủ tục cho các startup công nghệ cần phải nhanh chóng, hạn chế giấy tờ mà có thể đăng ký trực tiếp, nhận kết quả online như một số nước khác. Áp dụng chính sách cho các công ty cổ phần startup được phép nhận cổ phần công ty theo từng giai đoạn thay vì góp vốn toàn bộ trong 90 ngày, nhằm mục đích tăng tính cam kết và trách nhiệm của các cổ đông trong startup./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN