Thủ tướng chủ trì hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

  • 25/06/2019 17:12:34
  • Vũ Dũng/VOV1
  • Kinh tế
  • 0

Thủ tướng đề nghị Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải làm nhiều hơn, rõ nét hơn nữa, quy mô cao hơn để tạo động lực phát triển đất nước.

 

Sáng 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây là hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển vùng, hoàn thành các mục tiêu của quy hoạch phát triển vùng. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương trong vùng; các chuyên gia kinh tế; các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Do đó, việc tổ chức các hội nghị phát triển từng vùng kinh tế trọng điểm để rà soát việc triển khai nhiệm vụ, đề xuất giải pháp mới đưa vùng phát triển mạnh mẽ là yêu cầu cấp bách.  

Đánh giá về lợi thế phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Thủ tướng cho rằng, Vùng có lợi thế hơn hẳn các vùng kinh tế khác, nhất là hạ tầng có sự chuyển biến quan trọng, tạo sự chuyển biến cho các lĩnh vực khác. GDP bình quân đầu người gấp 1,85 lần so với bình quân chung cả nước. Đặc biệt, 7/7 tỉnh, thành phố trong vùng đều có điều tiết ngân sách về Trung ương. Gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn nghèo đa chiều. 

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu các tồn tại, hạn chế của vùng, đó là năng suất, chất lượng, hiệu quả của vùng còn hạn chế. Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng còn hình thức, chưa thực chất; cơ chế chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được vấn đề chung của vùng như xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị, đảm bảo an ninh trật tự. 

Thủ tướng cũng chỉ ra môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các địa phương trong vùng có sự chênh lệch lớn (Quảng Ninh thứ 1, Hà Nội thứ 9, Vĩnh Phúc thứ 13, Bắc Ninh thứ 15, Hải Phòng thứ 16, Hải Dương thứ 55, Hưng Yên thứ 58).

Thủ tướng gặp gỡ đại biểu dự Hội nghị

Với mong muốn thúc đẩy Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, thậm chí là phát triển đột phá, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất đổi mới cơ chế chính sách về đầu tư, đất đai, khoa học công nghệ; đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng như: thành lập Tổ điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm; ban chỉ đạo Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm...

Cùng với đó là đánh giá việc triển khai các cơ chế, chính sách về quy hoạch, phát triển giao thông, phát triển văn hóa, du lịch, quản lý chất thải rắn, cấp nước... của vùng, nêu những vấn đề đặt ra. 

Nêu ra các vấn đề đó, Thủ tướng cho rằng "chúng ta đã có bước tiến đóng góp chung cho cả nước, về thu ngân sách, về chuyển dịch cơ cấu, nhưng chúng tôi muốn vùng phải làm gì nhiều hơn nữa, rõ nét hơn nữa, quy mô cao hơn để đóng góp cho đất nước tốt hơn. Nhất là từ nay đến năm 2020, các đồng chí phải đóng góp càng rõ nét hơn trong bối cảnh đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vùng này phát triển mạnh mẽ chính là bài học khẳng định đường lối, chính sách của chúng ta tốt. Muốn như thế thì phải lắng nghe, sớm khắc phục bất cập, yếu kém, nhất là những vấn đề về nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ nhóm ngành để phát triển tốt nhất". 

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật cả nước, là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia,  địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, quy mô kinh tế vùng đứng thứ 2 cả nước với gần 32% GDP. Mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.500 USD, tỷ lệ đô thị hóa từ 50-57%.  

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ với nhiều tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh phía Bắc, có ba sân bay là Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn; có càng biển quan trọng là Cảng quốc tế Lạch Huyện, cảng Cái Lân.

Thủ tướng và các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng

Dù đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, ngành dịch vụ đang là mũi nhọn phát triển vùng, nhưng tăng trưởng chưa bền vững. Tất cả các tỉnh của vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng, nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Song các doanh nghiệp này cũng mới dừng lại ở gia công, lắp ráp phần cứng với giá trị gia tăng thấp, việc phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, hiện 65% vốn FDI trong vùng tập trung vào các ngành tận dụng nhân công giá rẻ, không lôi kéo được các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thu ngân sách thời gian qua tăng, nhưng thu nội địa và tổng thu đều thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Số doanh nghiệp đăng ký mới của vùng đứng thứ hai cả nước nhưng quy mô lại nhỏ, chỉ 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tình trạng nhập cư tăng ở một số thành phố, nhất là Hà Nội, đã gây nên tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật và xã hội./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận