Nông nghiệp với áp lực cạnh tranh từ EVFTA

  • 03/07/2019 11:20:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Hiệp định EVFTA đem lại cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam. Song ngành này cũng đối mặt với thách thức không nhỏ về quy tắc xuất xứ và áp lực cạnh tranh.

 

Kỳ vọng “thay da đổi thịt”

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17% - 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực thì Việt Nam sẽ cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% dòng thuế sau 10 năm. Các nước EU cũng cắt giảm thuế các mặt hàng gạo về 0% sau từ 3-7 năm; rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%, rau quả chế biến cũng có 85,6% dòng thuế về 0%; hạt điều hưởng thuế 0%; càphê, hạt tiêu 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực…Các sản phẩm chăn nuôi sẽ có khoảng 60% dòng sản phẩm sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực; nhóm thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh có lộ trình cắt giảm thuế 7 năm. Một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6 - 8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...

Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác sẽ theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

Là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm tiêu, thứ hai về cà phê, thứ ba về gạo, thứ tư về thủy sản, thứ năm về sản phẩm gỗ…, EVFTA được ký kết sẽ mang lại nhiều lợi thế cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Công Thắng đánh giá, nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội với các ngành hàng là trái cây, thủy sản, lâm nghiệp…với các sản phẩm có lợi thế như tiêu, cà phê, điều, …

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”. Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận, thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên. Tham gia EVFTA sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,… Việt Nam sẽ có lợi thế cao khi thu hút đầu tư vốn nước ngoài.

Áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan

Phân tích về những thách thức mà nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hầu hết các nước tham gia hiệp định này là các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cũng như trình độ kinh tế và trình độ quản lý hàng hóa rất cao. Chính vì thế, khi các nước mở cửa, chúng ta phải chấp nhận một cuộc chơi mà chúng ta có những điều kiện chưa bằng họ. Các nước này có tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa rất tốt như: Canada, Australia… Họ vừa có thế mạnh về nông sản, vừa có thế mạnh về khoa học và công nghệ, vừa có tài nguyên tự nhiên. Vì vậy, đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, theo T.S Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, tham gia EVFTA, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu. Cụ thể, do hàng rào thuế dần được cắt giảm nên mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh. Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế.

EU chiếm 20% tỷ trọng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TrubeĐồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Trang Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, việc tham gia vào EVFTA không phải là bức tranh chỉ có màu hồng. Khi tham gia CPTPP và EVFTA, việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Cam kết FTA không đồng nghĩa với giấy phép/VISA xuất khẩu cho các loại hàng hoá. Cam kết FTA cũng sẽ không xoá bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm…

Phát biểu tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”, ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, dưới tác động của các FTA, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sản xuất với số lượng, chất lượng tốt nhưng khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá thành và uy tín thương hiệu. Để biến thách thức thành cơ hội, theo các chuyên gia có 3 vấn đề mà ngành nông nghiệp Việt cần thay đổi: thay đổi công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, VSATTP; chú trọng liên kết để thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh; thay đổi cơ chế chính sách Nhà nước theo hướng ổn định.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận