Xuất khẩu sang EU tăng thêm khoảng 20%
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Theo Bộ Công Thương, cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Đánh giá về EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, EVFTA là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng cả 2 yêu cầu: tự do cao nhất và công bằng nhất. Theo đó, với việc ký kết hiệp định EVFTA, bên cạnh bảo đảm những nguyên tắc về tự do và công bằng thương mại, đồng thời hai bên còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững.
Biến thách thức thành cơ hội
Mặc dù EVFTA được đánh giá mang lại cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt, song, để tận dụng được lợi thế của Hiệp định này, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này. Nhằm tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, ngay sau lễ ký kết 1 ngày, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức buổi “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA): Cơ hội cho doanh nghiệp”.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, hàng rào kỹ thuật trong thương mại ở EVFTA rất cao và khắt khe. Thậm chí có những hàng rào kỹ thuật tưởng như không thể vượt qua được, như xử lý chất thải điện tử… rác thải điện tử. Do hàng rào kỹ thuật khắt khe, nên trước hết các DN phải nắm được các hàng rào kỹ thuật này đối với từng hàng hoá, từng thị trường, từng nước.
Đồng quan điểm này, TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương cho rằng, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nếu xuất khẩu ồ ạt cũng có nguy cơ bị điều tra tự vệ vượt ngưỡng như: quần áo lót; quần áo trẻ em,... dẫn đến việc tăng thuế trở lại hoặc ngừng cắt giảm thuế đối với mặt hàng ấy. Bên cạnh đó, trong điều kiện chúng ta chưa xây dựng đầy đủ và sử dụng hiệu quả các hàng rào thương mại (TBT, SPS, các biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời) để bảo vệ thị trường trong nước theo quy định của WTO thì đây sẽ là những khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Theo TS. Lê Huy Khôi, để tận dụng các cơ hội, hạn chế tối đa thách thức, trước hết cơ quan chức năng nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ một tích cực và thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam; Xác định rõ vai trò nòng cốt của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế; Nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của EVFTA để có thể thụ hưởng một cách hiệu quả các ưu đãi; Xây dựng các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng tạo lập các “hàng rào kỹ thuật”…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:
Với EVFTA, cơ hội và lợi thế mang đến cho DN Việt Nam được nhìn thấy rõ ràng. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn nên chúng ta không thể chủ quan, ảo tưởng. Cộng đồng DN của nước ta phần lớn là DN nhỏ và vừa với số lượng lên tới hơn 97%. Vì thế, có thể nhìn thấy hạn chế của DN Việt là năng lực quản trị doanh nghiệp còn kém, trình độ công nghệ yếu; quy mô DN nhỏ kể cả về tín dụng, nguồn lực, đội ngũ nhân lực…; công tác xây dựng thương hiệu cũng như khả năng tiếp cận với các thị trường đều đang ở trình độ thấp. Khi trở thành đối tác của một nền kinh tế hàng đầu với tổng GDP lên tới hơn 18 nghìn tỷ USD cùng với trình độ phát triển kinh tế cao, thì rõ ràng đây là một cuộc chơi đặt ra rất nhiều thách thức và điều kiện cho cộng đồng DN Việt Nam. Mặc dù chúng ta có những lợi thế về hàng rào thuế quan, nhưng để thâm nhập vào thị trường châu Âu thì hàng rào thuế quan không phải là tất cả, dù việc cắt giảm thuế quan đã tạo điều kiện cho DN Việt những bước đi cơ bản.
TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):Việt Nam đang trong quá trình phát triển cần rất nhiều vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghiệp kỹ thuật cao. Trong khi đó, EU có nhiều nguồn vốn, khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA được ký kết và thông qua thì dòng vốn từ EU sẽ đổ vào Việt Nam. Hiệp định EVFTA được ký kết thì giá hàng hoá, máy móc thiết bị sẽ rẻ đi rất nhiều, Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp nhận. Theo đó, FDI từ EU vào sẽ sạch hơn, chất lượng hơn, công nghệ tiên tiến hơn. Muốn thu hút được đầu tư từ EU, Việt Nam phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điện, nước, nguồn nhân lực, nhà xưởng KCN để sẵn sàng đón DN EU đầu tư.
Theo đó, tác động của EVFTA giúp thu hút FDI từ EU vào Việt Nam, họ muốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng giá trị của Việt Nam như nhân lực trẻ, kinh tế mở để xuất ngược trở lại, từ đó Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng đầu tư, việc bây giờ là cần tái cơ cấu dòng vốn FDI, những dòng đầu tư Mỹ, Nhật, EU cần khơi thông vì nó đi liền với nhiều công nghệ sạch, quy trình quản lý sạch.