Doanh nghiệp bức xúc vì Big C đột ngột dừng nhập hàng
Ngày hôm qua, những bức xúc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cung ứng hàng may mặc cho Big C bùng phát cả trên mạng xã hội và cả tụ tập phản đối, kêu gọi tẩy chay Big C… Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo hơn và tất cả phải căn cứ vào luật pháp.
Sáng nay, tại trụ sở Big C Việt Nam ở TP.HCM, không còn cảnh các nhà cung cấp hàng may mặc đến để trao đổi, thậm chí là căng băng rôn phản đối việc Big C thông báo tạm dừng nhập hàng như chiều qua. Nhiều chủ doanh nghiệp may mặc cho biết, họ ở nhà để giải quyết lương công nhân vì nay là đầu tháng, đặc biệt là ở nhà để điều phối hàng tồn kho vì không giao hàng được cho Big C từ 3 ngày nay và ở nhà để hủy các đơn hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất đang trên đường về công ty. Quan trọng hơn là, theo thông tin của Big C, các doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc sẽ chờ email của Big C đến hết hôm nay rồi mới tính tiếp.
Chị Vy, đại diện Công ty may mặc Trần Trúc, cung cấp hàng dệt kim cho Big C Việt Nam từ năm 2009 đến nay cho rằng, Big C ngưng nhập hàng của doanh nghiệp chị và các doanh nghiệp may mặc khác quá đột ngột. Từ tháng 2 đến nay, trong đàm phán lại hợp đồng hàng năm, chị cũng thấy có khác, không suôn sẻ như các năm trước, nhưng không ngờ lại đột ngột thế này.
Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp của chị cung cấp khoảng 100.000 sản phẩm cho Big C. Nay 3 ngày không giao được khiến hàng tồn chất đống, nguyên phụ liệu thì vẫn trên đường về, áp lực kho bãi là rất lớn. Bên cạnh đó, giờ chưa ngã ngũ Big C có nhận hàng nữa hay không và nếu nhận thì bao giờ mới nhập lại, nên đội ngũ lao động gần 500 người của doanh nghiệp này chưa biết giải quyết ra sao.
Chị Vy đồng ý là với chiến lược kinh doanh của mình thì Big C hoàn toàn có quyền lựa chọn nguồn hàng nhưng tất cả phải có trình tự, thời gian cho các nhà cung cấp chuẩn bị: “Big C phải có quy trình, lộ trình để nhà cung cấp biết được tình hình. Vì điều này còn liên quan đến người lao động. Chứ ngưng đột xuất thế này không cách nào cứu được”.
Big C có phạm luật?
Ở góc độ pháp lý và thông lệ làm ăn lâu nay của các doanh nghiệp cung ứng hàng may mặc với Big C, cuối tháng 6 hàng năm là thời hạn điều chỉnh và ký lại hợp đồng. Nhưng năm nay, đến hết tháng 6 vừa rồi, có rất ít doanh nghiệp được ký lại, phần lớn hồ sơ cung cấp hàng vẫn đang chờ, dù hai bên đã thống nhất với nhau vấn đề cơ bản nhất là mức chiết khấu. Như vậy, từ sự việc cụ thể này, chưa thể nhận định Big C Việt Nam có vi phạm luật pháp kinh doanh, có vi phạm hợp đồng ký kết với các nhà cung cấp hàng may mặc hay không. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật khuyến cáo, phải nhìn nhận sự việc theo góc độ pháp lý về kinh tế.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, trong sự việc lần này với Big C, có thể các doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc Việt đã bị “việt vị”. Big C Việt Nam có cam kết tỷ lệ sử dụng hàng Việt trên các kệ siêu thị hay không. Trong hợp đồng thỏa thuận giữa Big C với các nhà cung cấp hàng may mặc trong nước có ghi rõ thời gian, giá cả, phương thức thanh toán hay không, các thỏa thuận đã chặt chẽ chưa và phải dựa trên cơ sở đó mà xử lý.
“Nhà nước chỉ khuyến khích các doanh nghiệp siêu thị ngoại này là sử dụng hàng Việt của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng vì họ là nhà cung ứng nên họ có quyền bán các sản phẩm mà pháp luật cho phép. Giờ họ cắt hợp đồng, doanh nghiệp Việt phản đối, nhưng phản đối trên cơ sở gì. Mình phải có bộ phận pháp lý để trước khi làm những việc này thì phải chặt chẽ về pháp lý. Chứ không thể biểu tình, căng băng rôn… làm vậy không giải quyết được gì mà lại không đúng pháp luật” - luật sư Hậu phân tích.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, chúng ta đã mở cửa, hội nhập, đã ký nhiều FTA, gần đây nhất là FTA với EU, thì việc mở cửa thị trường, cạnh tranh bình đẳng là đương nhiên. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải lớn mạnh để theo kịp và quan trọng hơn là khi có sự cố như việc với Big C mấy hôm nay thì phải nói chuyện với nhau bằng luật. Big C có đội ngũ luật sư, các nhà cung cấp cũng phải có luật sư cho mình. Việc như thế này trước tiên luật sư hai bên phải ngồi với nhau để thương thảo, hòa giải và kiện tụng là cách cuối cùng. Ông Đinh Thế Hiển nói:
“Chúng ta nhớ rằng, luật kinh tế, giải pháp cuối cùng mới là kiện tụng. Còn các luật sư hai bên sẽ gặp nhau để thương thảo, hòa giải. Ngược lại, các doanh nghiệp không làm theo đó mà kéo đến phản đối ngay tại Big C thì chuyện đó hết sức không nên. Một người dân bình thường có thể bức xúc, nhưng tất cả các doanh nghiệp và hệ thống nghiên cứu thị trường phải nhìn nhận bằng góc độ luật pháp của kinh tế. Và nếu trong luật có thiếu sót chỗ nay chỗ kia thì chúng ta chỉ ra để đề xuất sửa đổi luật”..
Tất cả cần phải được nhìn nhận trên cơ sở pháp lý. Trước mắt, các nhà cung cấp hàng cho Big C hãy căn cứ vào những quy định của hợp đồng, quá trình đàm phán và thỏa thuận lại hợp đồng hằng năm, quy trình đặt hàng và giao hàng... để giải quyết vấn đề. Bên nào sai bên đó chịu và mục đích cuối cùng vẫn tiếp tục hợp tác. Mở rộng ra các mối quan hệ làm ăn kinh tế khác của các doanh nghiệp khác cũng vậy, hợp đồng ngày càng phải chặt chẽ hơn và đó là cơ sở đầu tiên cũng là cơ sở quan trọng nhất để giải quyết xung đột lợi ích.