Thu hút FDI: Kiên quyết ngăn chặn đầu tư chui, gian lận xuất xứ

  • 25/07/2019 03:17:58
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

FDI có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, song chuyển giá, trốn thuế, gian lận xuất xứ, đầu tư chui và núp bóng... đang là vấn đề cần được giải quyết dứt điểm.

 

FDI 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 9,1 tỷ USD

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian qua, các địa phương nỗ lực, triển khai các hoạt động thu hút FDI ngày càng chuyên nghiệp, gắn kết, kịp thời hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018; cả nước có 1.723 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới; tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2019 đã thu hút 1.723 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng các dự án nhỏ tăng mạnh, trong khi giá trị đăng ký giảm. Bên cạnh đó, có 628 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 2,9 tỷ USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 6 tháng còn có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,12 tỷ USD, tăng tới 98,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 625 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,48 tỷ USD và 3.395 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,64 tỷ USD. Theo Bộ KH&ĐT, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đánh giá về lợi thế của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI trong giai đoạn tới.

Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc

Mặc dù, FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt trái của FDI như chuyển giá, trốn thuế, gian lận xuất xứ, đầu tư chui và núp bóng... vẫn đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết dứt điểm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập”, trong đó còn tình trạng đầu tư “chui”, “núp bóng”; chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc thiết bị... Vì thế, thay vì tiếp tục “trải thảm” để thu hút FDI thì đã đến lúc cần đổi mới cách thu hút FDI một cách hiệu quả và có chọn lọc. Thời gian tới sẽ ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng đề án Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Trong đó, trọng tâm của chiến lược này là ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu. Cụ thể, các địa phương bám sát định hướng ưu tiên thu hút FDI đối với các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, tập trung vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu hao ít năng lượng. Trong quá trình thu hút các dự án FDI cần lưu ý đến các khâu như chuẩn bị đầu tư, chú trọng các vấn đề liên qua đến lao động, hạ tầng, ngành nghề định hướng kêu gọi đầu tư. Xây dựng bộ lọc để lựa chọn các dự án FDI, kiên quyết từ chối dự án lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, các dự án gian lận thương mại, đầu tư chui, đầu tư núp bóng…

Chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, cần phải thực hiện có hiệu quả đề án chống lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ, đầu tư chui và núp bóng để hưởng ưu đãi xuất xứ gắn với thu hút đầu tư FDI chất lượng cao. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm tốt hơn vai trò thu hút FDI. Cần xây dựng, thiết kế những bộ lọc để chọn ra những dòng vốn phù hợp nâng cao môi trường đầu tư. Phải đấu tranh không khoan nhượng với vấn đề dòng vốn đầu tư chui, đầu tư núp bóng, lẩn tránh thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

 

 
 Từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2019 đã thu hút 1.723 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận