Sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm với quy trình khép kín, sản phẩm gắn liền với vùng nguyên liệu, kiểm soát nguồn gốc, minh bạch quy trình sản xuất, gạo sạch Toản Xuân đã khẳng định được vị thế ở thị trường trong nước.
Công nghệ nâng tầm giá trị truyền thống
Sinh ra tại Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng, Nam Định, ông Trần Quốc Toản luôn có tâm nguyện thay đổi phương thức sản xuất, đưa khoa học, kỹ thuật tiên tiến để sản xuất hạt gạo sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân quê mình.
Từng là ủy viên hội đồng sáng lập đạm Phú Mỹ miền Bắc, có thời gian 30 năm gắn bó với nông nghiệp và có cơ hội tiếp xúc với nền nông nghiệp tại nhiều nước, ông Trần Quốc Toản nhận thấy các nước làm thương hiệu nông sản trên chính sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Ông chia sẻ: “Gạo là thế mạnh của tỉnh Nam Định nhưng lại chưa có thương hiệu và giá trị chưa cao. Vì thế tôi muốn đầu tư quy trình khép kín từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để người sản xuất minh bạch hóa sản phẩm của mình và để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này”.
Năm 2014, ông Trần Quốc Toản đã mạnh dạn đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, với sự kiểm soát chặt chẽ và hệ thống sấy, kho lưu trữ, hệ thống chế biến tiên tiến hiện đại. Giống lúa được trồng tại vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Toản Xuân là giống công ty đặt riêng để không lẫn với thị trường. Đây là giống bắc thơm thuần mà Công ty Giống cây trồng Nam Định giữ được nguồn gene, có năng suất thấp, canh tác khó nhưng có chất lượng gạo ngon với độ ngọt đậm, thơm, cơm nguội ngon hơn cơm nóng, để lâu cơm vẫn mềm
Đặc biệt, với công nghệ hiện đại, thóc khi rời cánh đồng sau 3 tiếng đồng hồ được đưa vào sấy với nhiệt độ 43 - 45°C trong vòng 18 tiếng. Đây là thời gian lý tưởng để giữ vitamin, và đảm bảo độ ngọt đậm của hạt gạo. Sau khi sấy xong, thóc được đưa vào các silo chứa theo từng khu vực sản xuất với thủy phần dưới 15%Quy trình sản xuất do Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định hướng dẫn, có nhật ký theo dõi sản xuất và chăm sóc lúa định kỳ. Đất được xét nghiệm trước một năm khi tiến hành gieo cấy, để cho ra công thức cải tạo dinh dưỡng đất và công thức chăm sóc lúa phù hợp cho từng vùng. Khi lúa vào mẩy, trước khi gặt 10 - 15 ngày, Chi cục Quản lý chất lượng tỉnh Nam Định giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố đảm bảo không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Tại nhà máy chế biến được theo dõi giám sát chặt chẽ về thời gian từ khi đóng gói tới lưu thông tiêu thụ, không sử dụng các hóa chất bảo quản nguyên liệu và thành phẩm.
Khâu chế biến cũng là một khác biệt tạo nên thương hiệu gạo Toản Xuân. Gạo trước khi thành phẩm, được làm sầy vỏ và giữ trong 24 tiếng để dinh dưỡng từ cám ngấm vào hạt gạo. Tất cả các hạt gạo khi đóng gói được chọn lọc từng hạt qua camera điện tử, loại bỏ những hạt gạo lỗi không đủ tiêu chuẩn. Nhờ đó, sản phẩm gạo sạch của Công ty TNHH Toản Xuân đang được tiêu thụ tại 34 tỉnh thành, và hơn 60 trường học tại các tỉnh Nam Định, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình… với sản lượng 7.000 tấn/năm và được người tiêu dùng tin cậy đón nhận. Gạo sạch Toản Xuân được bán với cao hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 60 - 70%, dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg.
Chính vì thế, sản phẩm gạo sạch Toản Xuân được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm đạt hạng 4 sao trong Đề án Chương trình OCOP của tỉnh Nam Định năm 2019. Đây là đề án nhằm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 của tỉnh Nam Định được UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai từ 5/9/2019 nhằm nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm hiện có tại địa phương.
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Nam Định, cho biết: “Chuỗi sản xuất lúa gạo Toản Xuân tự hào là đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng được Bộ NN&PTNT công nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Sản phẩm được sản xuất cùng nguồn giống nên có chất lượng đồng nhất trong cả lô hàng”. Với nỗ lực của mình, Toản Xuân đã thử nghiệm thuần hóa thành công giống ST24, với giá bán khoảng 34.000 đồng, đem lại hy vọng chinh phục khách hàng khó tính và đưa thương hiệu gạo Nam Định vươn xa hơn nữa.
Cam kết dựa trên quyền lợi của người sản xuất
Để có sản phẩm an toàn cung ứng ra thị trường, Công ty TNHH Toản Xuân đã liên kết với nông dân để tích tụ ruộng đất và hợp tác sản xuất. Ông Trần Quốc Toản chia sẻ: “Muốn phát triển bền vững, phải xây dựng nguồn nguyên liệu. Chỉ khi nào chúng ta kiểm soát được đầu vào, thì sản phẩm đầu ra mới đảm bảo”. Chính vì thế trong quá trình liên kết sản xuất, chỉ cần người dân tích tụ được diện tích tối thiểu 3ha đất, trong đó mỗi hộ có diện tích không dưới 1 mẫu thì công ty sẽ đầu tư toàn bộ từ khâu giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Các thành viên chỉ bỏ công chăm sóc theo đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật do công ty cử về.
Anh Nguyễn Văn Hưng, xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản cho biết: “Tôi liên kết sản xuất với Công ty TNHH Toản Xuân với diện tích 30ha. Nhờ có công ty cung cấp vốn về giống và vật tư nên phần vốn lưu động tôi sử dụng vào chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, lãi mà tôi thu về là khoảng 100 triệu đồng/vụ”.
Từ 200ha năm 2014, đến nay vùng nguyên liệu của Công ty THHH Toản Xuân liên kết sản xuất là 1.500ha tại 6 huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định. Sở dĩ diện tích tăng nhanh như vậy là do người dân thấy có lợi nên tích cực tham gia chuỗi. Ông Trần Quốc Toản chia sẻ: “Mỗi đầu sào công ty đầu tư từ 500.000 - 600.000 đồng. Người dân bỏ tiền công cày cấy 200.000 nghìn đồng đến 300.000 nghìn đồng, cuối vụ họ thu về khoảng 1,2 - 1,5 triệu, lãi thu về khoảng từ 400.000 - 600.000 đồng. Theo tổng kết của công ty, diện tích càng lớn thì lợi nhuận/sào càng cao, do tiết kiệm được lao động, tiền thủy lợi...
Theo thống kê của Công ty TNHH Toản Xuân, sản lượng mà người dân tham gia chuỗi thu được vào khoảng 4,5 - 4,8 tấn/ha. Điều đáng nói, giá bao tiêu sản phẩm của công ty cao hơn 15 - 20% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Để bà con yên tâm sản xuất, công ty bỏ vốn đầu tư từ cây giống, phân bón, thuốc sâu, kỹ thuật… mà không tính lãi. Khi có rủi ro mất mùa xảy ra, công ty tiếp tục đầu tư để bà con sản xuất, khi nào có lãi mới thực hiện hoàn vốn.
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết: “Đây là chuỗi rất thành công vì doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ khó khăn cũng như lợi nhuận với nông dân và HTX từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng”.
Chia sẻ khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu nông sản và sản xuất theo chuỗi, ông Trần Quốc Toản cho biết: “Xây dựng thương hiệu nông sản lâu dài, bền vững rất cần có cuộc cách mạng về giống, bởi lẽ giống quá lâu sẽ có dấu hiệu thoái hóa và không cho ra sản phẩm ưu việt; Hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp phải mạnh mẽ. Đào tạo nghề phải cùng doanh nghiệp đào tạo nhân lực theo chuỗi sản xuất; Cần quản lý tổng thể trong sản xuất nông nghiệp; Việc hỗ trợ tập trung quỹ đất cần mạnh mẽ để không thiếu vùng nguyên liệu lớn”.
Mô hình sản xuất gạo sạch mà Công ty TNHH Toản Xuân đang triển khai đã đem lại những hiệu quả kinh tế - xã hội cho cả người người dân và doanh nghiệp. Cách làm của Toản Xuân đem lại những gợi ý rất thiết thực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Cần phải xây dựng chuỗi, mô hình sản xuất, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.
“Có sản phẩm là phải có vùng nguyên liệu. Chỉ có như thế doanh nghiệp mới kiểm soát được sản phẩm và sản phẩm mới tạo được lòng tin từ phía khách hàng”. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc công ty TNHH Toản Xuân
|