Những tháng qua, tăng trưởng của ngành nông nghiệp Bắc Giang giảm 4,42% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là do ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có gần 270.000 con lợn buộc phải tiêu hủy, với trọng lượng tương ứng gần 14.300 tấn do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thiệt hại ước tính khoảng 400 tỷ đồng. Trước thực tế này, đã có nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi lợn sang chăn nuôi các con vật khác mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Việt Tiến, huyện Việt Yên có 38 hộ có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, thì đã có hơn 10 hộ chủ động chuyển đổi sang chăn nuôi các con vật khác cho triển vọng mới.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, huyện Việt Yên cho biết, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi ngan giống, một số hộ mạnh dạn chuyển sang nuôi ngựa bạch.
Tại nhiều địa phương khác như xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tranh thủ cơ hội thiếu hụt nguồn thịt lợn do dịch bệnh gây ra, nhiều hộ gia đình cũng mạnh dạn phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi bò thương phẩm cung ứng cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đỗ Văn Thịnh, Thôn Am, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang cho biết, gia đình đã chuyển đổi mô hình tư nuôi lợn sang nuôi bò và chú trọng hơn công tác phòng chống dịch bệnh.
Từ nay đến cuối năm, dự báo sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu chấm dứt do đó khả năng khôi phục đàn lợn thấp. Để đảm bảo tăng trưởng đạt 1%, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tăng sản lượng các nhóm trong ngành.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Bắc Giang khẳng định, tỉnh sẽ tập trung khắc phục tất cả khó khăn trong các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi để tạo ra giá trị gia tăng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng vật nuôi cây trồng chủ lực cây ăn quả, cam bưởi, chăn nuôi gia cầm và thủy sản.
Qua thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Bắc Giang nhận thấy việc chăn nuôi nông hộ sẽ rất khó tồn tại trong thời điểm dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên đàn lợn như hiện nay, thay vào đó là chăn nuôi trang trại theo chuỗi an toàn dịch bệnh phát triển mạnh mẽ.
Đây cũng chính là thách thức, cũng là thời cơ để ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nông hộ sang trang trại và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi./.
Đặng Giang-Hồng Thơm/VOV.VN