Việt Nam đứng top 15 xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới

  • 11/10/2019 05:24:39
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Sáng 11/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ tư với chủ đề: "Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới".

 

Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hiệp định CPTPP và EVFTA của Bộ Công Thương cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, nông nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt thể hiện qua sự thành công và tăng trưởng trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới: chúng ta thuộc nhóm top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Những thành tựu như vậy có được, là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của những chính sách thuận lợi hóa thương mại, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của Chính phủ. Bên cạnh những chính sách hiện tại, không thể không kể đến vai trò quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA): ngoài việc giúp mở rộng hơn nữa thị trường, chuyển dịch cơ cấu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, còn đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư nhờ những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường và quản trị nhà nước.

Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn Dân Việt

Diễn đàn “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”, Ban tổ chức cung cấp một cách đúng đắn, toàn diện các thông tin liên quan của hai Hiệp định CPTPP và EVFTA tới cho cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, toàn diện cho các doanh nghiệp và các bên quan tâm khác trong quá trình tìm hiểu để xây dựng, mở rộng thị trường trong chiến lược sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu của mình.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ Trưởng Vụ thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: “Về cơ bản với những mặt hàng có lợi ích xuất khẩu thì Việt Nam luôn cố gắng làm sao dỡ bỏ các rào cản ở mức cao nhất khi tham gia các FTA. Với những mặt hàng chúng ta không có lợi thế cạnh tranh thì cần phải có lộ trình chuyển đổi hợp lý. Cụ thể, với mặt hàng cá tra và cá basa là các sản phẩm Việt Nam hiện đang có lợi thế cạnh tranh. Như vậy, chúng tôi khi đàm phán luôn yêu cầu các nước mở cửa tối đa cho mặt hàng này”.

Ông Thái cho biết thêm, không chỉ với các tra và cá basa, các mặt hàng nông sản khác, ngoài hàng rào thuế quan thì bên trong có “muôn vàn” rào cản khác. Đơn cử như vấn đề về sức khỏe, về môi trường… là những vấn đề nước “bạn” quan tâm, cần bảo vệ. Những yêu cầu đó phía Việt Nam cũng cần phải dung hòa được với lợi ích xuất khẩu. 

                                                           Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 Nguyễn Hữu Hà đến từ huyện Khoái Châu, Hưng Yên trồng giống chanh tứ quý, mỗi năm lãi 5,5 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Chương.

 

Để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh : “Tôi cho rằng việc xuất khẩu quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc. Nếu chúng ta hướng dẫn để nông dân có thể đưa ứng dụng blockchain vào sản xuất thì những lo ngại sẽ được giải tỏa rất dễ dàng. Muốn ra thế giới thì chắc chắn phải chứng minh được nguồn gốc nông sản của mình. Bây giờ là thời đại 4.0 rồi, chúng ta không thể bỏ qua việc áp dụng những công nghệ hiện đại trong sản xuất và blockchain chính là giải pháp hữu hiệu”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng Hội NN&PTNT cho rằng: “Thách thức là gì? Đó chính là các hàng rào kỹ thuật. Nếu chúng ta chưa truy xuất nguồn gốc thì không thể vượt rào được. Với xu thế hội nhập thì hàng rào thuế quan sẽ dần dần được loại bỏ về 0%, nên điều quan trọng nhất không phải là cung cấp thông tin mà là hướng dẫn nông dân làm như thế nào”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận