Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và truyền thống nhập khẩu nông sản Việt Nam. Với dân số hơn 1,42 tỷ dân, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, và có hàng trăm triệu khách du lịch, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Tiềm năng và nhu cầu nhập khẩu các loại nông sản của Trung Quốc còn rất lớn. Xu hướng thay đổi thị hiếu tiêu dùng và tốc độ đô thị hóa nhanh khiến tiêu thụ chè và cà phê tại Trung Quốc ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên,Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê với kim ngạch đạt trên 109 triệu USD và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam đạt kim ngạch gần 20 triệu USD (đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 5 về thủy sản);...
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới, thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền.
Sản phẩm nông lâm, thủy sản của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang trên 180 thị trường trên thế giới, phủ khắp trên hầu hết các nước trên toàn cầu. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, thủy sản, đồ gỗ…
Việt Nam là nước đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu và đang xuất khẩu chè sang 61 Quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè. Trong năm 2018, lượng chè xuất khẩu của cả nước đạt 128.000 tấn, trị giá đạt 219 triệu USD.
Đối với ngành cà phê, tổng diện tích cà phê cả nước đến hết năm 2018 đạt 688.000ha, tăng trên 157.000ha so với 10 năm trước (năm 2008) tăng 30%, sản lượng cà phê nhân xấp xỉ 1,62 triệu tấn, tăng 49.000 tấn.
Hiện tại, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai thế giới và dẫn đầu toàn cầu về cà phê robusta. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,88 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD tăng gần 20% về lượng, tăng 1% về trị giá so với năm 2017.
Chính vì lý do đó, Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn “Hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam - Trung Quốc” với mục đích kết nối giao thương, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú cho biết: “Trà mang tính chất của quốc tế và đã trở thành tài sản qúy của toàn thế giới. Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước có truyền thống trồng trà với sản lượng lớn. Chúng ta có những địa vị quan trọng trong thị trường trà trên thế giới và Trung Quốc là thị trường lớn trong xuất khẩu trà của Việt Nam. Trà và cà phê của Việt Nam giữ 1 vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã lớn mạnh tại Việt Nam như Vinacoffe và được người dân Trung Quốc đón nhận nhiệt tình. Tôi hy vọng là có thêm những không gian thị trường lớn để phát triển ngành trà và cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc”.
Diễn đàn “Hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam - Trung Quốc” là cơ hội giúp các cơ quan nhà nước, địa phương, doanh nghiệp hai nước trao đổi hợp tác phát triển sản xuất, chế biến và thương mại chè và cà phê Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh đó là trao đổi, học tập kinh nghiệm từ đó giúp hai nước có các định hướng trong sản xuất, chế biến nhằm phát triển thương mại đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của thị trường.