Dù đã qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể và 7 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, ấn tượng của nhiều địa phương và cả một số đơn vị thuộc các Bộ ngành dường như vẫn bị “đóng khung” với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, trong khi trên thực tế, phương thức hoạt động của các HTX đã thay đổi rất nhiều.
HTX kiểu mới giờ đây thực chất có phương thức hoạt động gần giống với các công ty cổ phần, với bộ máy quản lý kiểu mới và người đứng đầu, kêu gọi vốn là giám đốc chứ không còn là chủ nhiệm như trước đây. Hoạt động của các HTX kiểu mới cũng ngày càng đa dạng và tham gia mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đánh giá, đến thời điểm này có thể coi là khu vực kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài khi có tới 57% số hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, 50 - 80% HTX phi nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu như năm 2003, tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP là 7,49% thì hiện nay chỉ còn 4%. Nguyên nhân của thực trạng này ngoài việc tỷ trọng ở các khu vực khác như công nghiệp chế biến chế tạo, các ứng dụng dịch vụ tăng, thì còn do sự quan tâm của các bộ ngành đến lĩnh vực này hiện vẫn chưa nhiều và đồng đều, đặc biệt là thiếu quan tâm đến hàng chục vạn tổ hợp tác vẫn đang duy trì hoạt động.
Còn theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam thì hiệu quả tăng trưởng GDP trong khu vực HTX chỉ bằng 50% các khu vực khác của nền kinh tế. Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho tổng GDP của kinh tế tập thể ngày càng đi xuống.
Một trong những khó khăn hiện nay là có những HTX nông nghiệp dù ở tình trạng giải thể, phá sản nhưng vẫn chưa xử lý hết những khoản nợ nên không thể giải thể. Do đó, cũng không còn cơ hội cho những HTX khác. Đây là vướng mắt cần được xử lý sớm để thúc đẩy kinh tế HTX phát triển.
Còn đối với các HTX kiểu mới đang hoạt động thì khó khăn lớn nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn. Bởi lẽ các ngân hàng có nhiều quy chuẩn riêng mà các HTX không đủ điều kiện đáp ứng, trong khi đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được coi là hiểu biết và thông tỏ các HTX nhất thì lại không có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của hàng trăm nghìn Liên hiệp HTX, HTX và tổ hợp tác trong cả nước. và thế là hình thành một vòng luẩn quẩn: không có vốn thì không phát triển, không phát triển lại càng không vay được vốn.
Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần rà soát, đánh giá lại thể chế, luật pháp đối với kinh tế hợp tác, sao cho các chính sách tiệm cận được với cơ chế thị trường. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các HTX cũng cần chủ động vươn lên để nắm bắt cơ hội và tăng khả năng hấp thu chính sách.