Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của Việt đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn.
"Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới", Thủ tướng nêu rõ.
Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD.
Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng "tích cực". Tổng thu NSNN vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp.
Đáng chú ý, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD.
Tăng bậc xếp hạng trên thế giới
Trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Nguyên Xuân Phúc cho biết, các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Theo Thủ tướng, việc cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo.
Năm 2020, dự kiến GDP tăng khoảng 6,8%
Bức tranh sáng sủa của nền kinh tế trong năm 2019 đang tạo sức bật để kinh tế 2020 có thể về đích không chỉ Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mà cả Chiến lược 10 năm 2011-2020.
Về kế hoạch năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2020, dự kiến GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn năm 2018..., nhưng kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt được "những chuyển biến tích cực, toàn diện" trên nhiều khía cạnh.
"Đây là năm thứ hai, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát được Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, khó dự báo được đầy đủ từ trước”, ông Vũ Hồng Thanh nhận xét.
Cùng với việc đánh giá cao thành tựu đã đạt được của năm 2019, các phác thảo ban đầu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020 đã được xây dựng và trình Quốc hội. Mục tiêu được đặt ra rất rõ ràng, đó là sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Đồng tình với các mục tiêu này, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ phải làm rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020, như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.
Đặc biệt, theo ông Vũ Hồng Thanh, cần làm rõ về chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7%, cũng như mục tiêu tỷ lệ nhập siêu dưới 3% kim ngạch xuất khẩu. Lý do là, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước tăng 7,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm lại dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam giảm hoặc tăng chậm lại...
Đã 3 năm gần đây, Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng kết quả thực tế là xuất siêu. "Phải làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ tiêu này hàng năm để phù hợp với kết quả trong thực tế", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Theo VOV.VN