Tất cả các dự án đều chậm
Điển hình cho các dự án đường sắt đô thị là Dự án Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, chạy thử 13/13 đoàn tàu, dự kiến vận hành thương mại năm 2019 nhưng chưa rõ tháng nào? Dự án đường sắt tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi hiện đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán. Đây là 2 dự án do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trực tiếp làm chủ đầu tư.
Dự án tuyến số 3 Nhổn - Hà Nội đến nay tiến độ chung đạt khoảng 55% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2020, dự án do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
UBND TPHCM làm chủ đầu tư Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương. Trong đó tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên sản lượng xây lắp đạt 66,79%, tuyến Bến Thành - Tham Lương đã hoàn thành gói xây dựng tòa nhà văn phòng, khu depot đang nghiệm thu.
Hiện tại, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ và đội vốn. Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư và chậm tiến độ các dự án, Bộ GTVT cho biết, các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do đó chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế.
Do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả chủ đầu tư và tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu.
Công tác giải phóng mặt bằng, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm vướng mắc, chậm tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng. Kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Việc cập nhật tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá... ảnh hưởng chung đến việc tăng tổng mức đầu tư khiến đội vốn công trình.
Đề xuất tiếp tục xây dựng 16 tuyến đường sắt đô thị
Trong khi chưa giải quyết được bài toán đội vốn, chậm tiến độ của các dự án đường sắt đô thị chưa có một giải pháp tổng thể thì Bộ GTVT vẫn thay mặt Chính phủ trình một báo cáo về việc thực hiện chính sách phát triển đường sắt đô thị. Theo đó, tại Hà Nội và TPHCM mỗi nơi sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị mới được xây dựng. 16 dự án đường sắt đô thị mới sẽ có tổng chiều dài là 478 km.
Theo TS. Phạm Sanh, Việt Nam không nên đầu tư rầm rộ các tuyến metro. Nguyên nhân, vốn đầu tư metro rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nợ công cao. Việt Nam cần đầu tư dần từng bước để làm chủ công nghệ, đúc kết các kinh nghiệm quản lý để xây dựng dự toán, thẩm định cho chính xác. Đảm bảo được vốn đầu tư không đội vốn.
“Trên thế giới các nước xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đều từ hàng chục năm đến cả trăm năm. Các nước đi dần từ tiếp cận đến làm chủ công nghệ trong đầu tư xây dựng. Việc làm ồ ạt các dự án đường sắt đô thị với ngân sách eo hẹp và tiền đi vay là không hợp lý và nguy hiểm” - TS. Phạm Sanh nói.
Phát triển giao thông công cộng và đường sắt là xu thế tất yếu nhưng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam thì nên đầu tư xe buýt, mở đường, xây cầu vượt… để hạn chế ùn tắc. Đầu tư đường sắt đô thị phải có kế hoạch từng bước phù hợp với điều kiện kinh tế và kinh nghiệm xây dựng, TS. Sanh phân tích thêm.
Hiện nay, Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội và TPHCM loay hoay với các dự án đường sắt đô thị đang triển khai, chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện thì việc xây dựng một loạt dự án mới sẽ được triển khai ra sao. Mục tiêu đường sắt đô thị đáp ứng trên 30% thị phần vận tải hành khách tại Hà Nội và TPHCM với tầm nhìn 2050 có thực tế?
Phương Hoài/VOV.VN